Xã hội hóa đầu tư thủy lợi nhằm chống độc quyền

ANTD.VN - Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủy lợi sáng 14-11, ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng, trong thời gian tới cần ưu tiên nghiên cứu khoa học ứng dụng vào các công trình thủy lợi công nghệ cao, đồng thời giao một số công trình thủy lợi cho cộng đồng dân cư quản lý, khai thác.

Các công trình thủy lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp

Liên quan đến việc chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, hầu hết các ĐBQH đều nhất trí với quan điểm này. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc coi công tác thủy lợi mang tính phục vụ sang tính dịch vụ nhằm đưa hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ thủy lợi, coi việc chi trả dịch vụ thủy lợi là một chi phí đầu vào trong sản xuất, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả dịch vụ, đặc biệt là việc sử dụng nước tiết kiệm. 

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đề xuất dự án Luật cần có những quy định toàn diện hơn, bởi dự án Luật chủ yếu thiên về việc quản lý, cung cấp các dịch vụ thủy lợi phục vụ chủ yếu cho phát triển nông nghiệp, trong khi yêu cầu đặt ra đối với Luật là sự tiếp cận đa mục tiêu, đa ngành trên các phương diện nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.

Về mối liên quan giữa thủy lợi và thủy điện, ĐB Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, thủy lợi và thủy điện có mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề xả lũ của thủy điện cần được quan tâm đúng mức.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu ý kiến, cần làm rõ thêm việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi đa mục tiêu (thủy lợi, giao thông thủy, thủy điện) như thủy điện Hòa Bình. Bên cạnh đó, phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Trung ương, địa phương trong quản lý vận hành các công trình thủy lợi trong các trường hợp cấp bách như hạn hán, lũ lụt.

Phát biểu thảo luận, ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến, Dự thảo nên bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác công trình thủy lợi phải bồi thường khi vi phạm hợp đồng hoặc để xảy ra thiệt hại.

Trong khi đó, theo ĐB Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định), Dự thảo quy định xả nước thải vào công trình thủy lợi phải xin phép, nhưng Luật Tài nguyên nước lại nêu rõ nếu xả với quy mô nhỏ, không độc hại thì không phải xin phép nên giữa 2 luật có sự mâu thuẫn, cần xem xét, chỉnh sửa.

Phát biểu giải trình các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đã đến lúc phải chuyển hướng thủy lợi từ phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang giai đoạn mới phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB, Ban soạn thảo sẽ cố gắng rà soát, chỉnh sửa phạm vi điều chỉnh của Luật đảm bảo không bỏ sót đối tượng quản lý, không chồng chéo, chỉ rõ trách nhiệm các Bộ.

Với những ý kiến xoay quanh nội dung chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ, Bộ trưởng cho rằng cần có lộ trình cụ thể tiếp cận quy định về giá. “Việc xã hội hóa đầu tư thủy lợi là chủ trương đúng, nhằm chống độc quyền, song phải đảm bảo Nhà nước vẫn quản lý ở khâu quan trọng nhất” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định. 

902.030 tỷ đồng chi cân đối ngân sách Trung ương năm 2017

Sáng 14-11, với 82,15% ĐB tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2017 là 729.730 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. 

Nghị quyết cũng giao Chính phủ 5 nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố; Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán chi, bội chi ngân sách địa phương; Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang...