WEF ASEAN 2018: Sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm

ANTD.VN - Là diễn đàn để các nhà lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và trong khu vực thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách cho những vấn đề quan trọng của khu vực, Hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Hà Nội, với rất nhiều kỳ vọng.

Hội nghị WEF ASEAN, trước đây là Hội nghị WEF Đông Á, là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực, thu hút sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2018.

Việc tổ chức thành công Hội nghị này sẽ mang lại ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại, kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị WEF ASEAN 2018 

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 395/QĐ-TTg thành lập Ban Tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (Hội nghị WEF ASEAN 2018). Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Ban Tổ chức.

Theo Quyết định 395/QĐ-TTg, các thành viên Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan. Ban Tổ chức gồm các Tiểu ban Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền - Văn hóa, An ninh- Y tế, Vật chất- Hậu cần và Ban Thư ký. Ban Tổ chức có chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018; phân công, đôn đốc và phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Hội nghị.

Trong khuôn khổ buổi Họp báo quốc tế về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng: "Quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất sâu. ASEAN đang bước vào thời kỳ xây dựng cộng đồng vững mạnh, thịnh vượng và phát triển. Khu vực chúng ta đang đứng trước thời cơ và cũng có thể nói là thách thức bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0".

Theo đó, Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu rộng ở khu vực và quốc tế, cùng với ASEAN để xây dựng cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – tổ chức tư nhân đầu tiên mà chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ đưa ra những khuyến nghị chính sách để Việt Nam tự cường trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

"Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với WEF để tổ chức WEF ASEAN. Ngay từ phần xác định chủ đề, Việt Nam cũng đã tính đến chủ đề của năm ASEAN 2018 là Tự cường và sáng tạo, và chọn chủ đề cho Hội nghị là 'ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0'", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn- Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 và ông Justin Wood- Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chủ trì họp báo

Chủ đề của Hội nghị cũng đã cho thấy Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào việc giữ gìn, xây dựng cộng đồng chung ASEAN cũng như chuẩn bị tốt nhất cho mình trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, đăng cai tổ chức Hội nghị cũng thể hiện và chứng tỏ mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp có trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và đồng thời cũng học hỏi từ cộng đồng quốc tế để phát triển tốt nhất trong CMCN 4.0.

Thêm vào đó, Hội nghị sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh của một khu vực ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và xây dựng cộng đồng vững mạnh trong thời gian tới, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực. Việt Nam cũng có thể quảng bá hình ảnh của một đất nước rất năng động, phát triển và tự cường trước CMCN 4.0.

Cuối cùng, Hội nghị lần này là cơ hội tuyệt với cho các nhà lãnh đạo, giới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của Việt Nam, hiểu sâu và chia sẻ được kinh nghiệm của mình với bạn bè khu vực và thế giới đồng thời rút ra bài học và kinh nghiệm tốt nhất để chúng ta có thể xây dựng được chính sách ở tầm quốc gia hoặc đối với doanh nghiệp của mình. Việt Nam là đối tác tin cậy và ưu tiên của WEF trong khu vực.

Kể từ khi bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng luôn coi trọng hợp tác với WEF, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này.

Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN). Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mê Kông lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá khu vực Mê Công với các tập đoàn lớn của thế giới.

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. WEF đánh giá việc thực hiện thành công thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sẽ là mẫu hình để WEF xem xét khả năng mở rộng áp dụng với các nước khác trong khu vực.