Vướng mắc trong đổi mã thẻ quyền lợi
(ANTĐ) - Việc đổi mã thẻ quyền lợi cho người tham gia BHYT đến nay đã gần một tháng thế nhưng hiện nay các cơ quan BHXH quận, huyện tại HN vẫn rơi vào tình trạng quá tải với số lượng lên đến hàng trăm người mỗi ngày.
Đã xuất hiện những vướng mắc triển khai đổi mã thẻ BHYT tại địa phương |
Hiện đã xuất hiện những vướng mắc khi triển khai đổi mã thẻ tại địa phương. Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó ban cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, những vướng mắc chính nằm trong các quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công và thực tế cuộc sống. Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định nếu có một trong 4 loại huân, huy chương là: huân chương kháng chiến, huân chương chiến thắng, huy chương kháng chiến, huy chương chiến thắng thì mới được xếp là người có công và được đổi mã thẻ quyền lợi với mức hưởng chế độ cao nhất. Các loại huân, huy chương khác không đủ điều kiện. Đó là huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; huân chương quân công; huân chương chiến công, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Sao Vàng. Ông Nghị thừa nhận, “những loại huân chương này rõ ràng quan trọng hơn huân chương kháng chiến rất nhiều”.
Nhiều trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp, đổi thẻ BHYT BHXH Việt Nam cho biết, đến nay cơ quan này đã cấp, đổi thẻ mới cho 45 triệu/53 triệu người tham gia BHYT, trong đó 6 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam), hiện vẫn còn rất nhiều trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp, đổi thẻ BHYT. Thủ tục chuyển đổi thẻ khá đơn giản nhưng sở dĩ nhiều người dân vẫn còn chưa mặn mà, chưa đổi thẻ mới là do quy định hiện hành vẫn cho phép sử dụng thẻ khám chữa bệnh cũ, giấy khai sinh, thậm chí là chỉ cần xuất trình giấy chứng sinh cũng đều được các cơ sở khám chữa bệnh chấp nhận. Ngoài ra hiện vẫn còn có nhiều người nghèo chưa được cấp thẻ mới do ngành Thương binh& Xã hội chưa chuyển danh sách sang cơ quan BHXH. Minh Bảo |
Tương tự như vậy, Anh hùng lao động (AHLĐ) là người có công nhưng phải là AHLĐ thời kỳ kháng chiến, AHLĐ thời kỳ đổi mới lại không được thừa nhận. Con thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên mới được chấp nhận, thương tật từ 81% trở xuống thì không được. Những người nhiễm chất độc hóa học thì con sẽ được xếp vào nhóm người có công nhưng người con đó phải nhiễm chất độc hóa học. Một trường hợp khác, nhiều người tham gia kháng chiến biên giới năm 1979 có thể lập chiến công rất lớn, có thể được trao tặng rất nhiều huân, huy chương cao quý nhưng cũng không được chấp nhận vì chỉ được tính từ 19-8-1954 đến 30-4-1975.
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay tất cả những bất cập và vướng mắt trên đã được ghi nhận, tổng hợp để kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trước mắt, ông Nghị cho rằng, nếu người có công không mang được 1 trong 4 loại huân, huy chương theo quy định đến cơ quan BHXH thì chỉ cần bản photo có công chứng. Thậm chí, nếu mất các loại huân, huy chương trên, nhưng có giấy chứng nhận cũng được chấp nhận. Với thương binh, nếu giấy chứng nhận và hồ sơ quân nhân không trùng khớp ngày/tháng/năm sinh chỉ cần đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận là được chấp nhận
Hiện nay cả nước có khoảng 3 triệu người cần đổi mã thẻ quyền lợi. Nếu đang trong thời gian chờ đợi cấp thẻ có mã quyền lợi mới hoặc chưa đổi mà phải nhập viện thì vẫn được giải quyết quyền lợi theo chế độ của người có công. Khi người dân đã trả hết viện phí theo chế độ bình thường mà được xác nhận là người có công sẽ được hoàn trả lại viện phí đã thanh toán.
Huệ Chi