Vùng thông báo bay (FIR) là gì, ai quản lý?

ANTĐ - Các nguyên tắc cơ bản của ICAO về phân định ranh giới FIR được quy định tại phụ lục N của nghị quyết 27.10 Đại hội đồng ICAO, theo đó FIR có thể bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia của nước đó.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, vùng thông báo bay (FIR-Flight information region) là khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động sẽ được cung cấp.

Mỗi phần của khí quyển đều thuộc về một FIR cụ thể nào đó. Phạm vi FIR có thể rộng hoặc hẹp. Không phận của một số nước nhỏ có thể được gộp vào một FIR đơn lẻ, hoặc không phận của nước lớn có thể được chia thành nhiều FIR. Một số FIR lớn sẽ bao gồm không phận của nhiều nước.

Các đơn vị quản lý FIR phân chia trách nhiệm thế nào tùy thuộc vào thỏa thuận quốc tế thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). ICAO phê duyệt FIR dựa trên thỏa thuận của các nước liên quan. Theo quy định của ICAO, một quốc gia có thể thành lập một hay nhiều FIR tùy thuộc vào tình hình cụ thể của nước đó. Ngược lại, vùng trời của nhiều quốc gia vẫn có thể được sắp xếp vào một FIR.

Vùng thông báo bay (FIR) là gì, ai quản lý? ảnh 1

Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (màu xanh)

Các nguyên tắc cơ bản của ICAO về phân định ranh giới FIR được quy định tại phụ lục N của nghị quyết 27.10 Đại hội đồng ICAO, theo đó FIR có thể bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia của nước đó.

Việt Nam đã ký kết với các quốc gia liền kề các thỏa thuận về trợ giúp dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn hàng không theo khuyến cáo của ICAO. Như vậy, nếu máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines lâm nạn trong các FIR Việt Nam, Việt Nam sẽ phải trợ giúp.

Các FIR của Việt Nam bao gồm FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh với diện tích rộng 1,2 triệu km2. Có 25 tuyến bay nội địa và 34 tuyến bay quốc tế nằm trong hai FIR này.

Đây là hai vùng FIR có các đường bay với mật độ bay khá cao, chiếm vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Hàng ngày, có hơn 700 chuyến bay đi/đến và quá cảnh qua các FIR Việt Nam.

FIR Hồ Chí Minh kéo dài từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt - Lào, Việt - Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến đông, tức bao gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông.

Trung tâm quản lý bay đường dài TP Hồ Chí Minh thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn không lưu nằm trong FIR Hồ Chí Minh.

Như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, các FIR Việt Nam sẽ phải cung cấp dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động.

Dịch vụ báo động là dịch vụ được cung cấp nhằm mục đích thông báo cho các cơ quan có liên quan về máy bay cần sự giúp đỡ của các cơ quan tìm kiếm - cứu nguy và hỗ trợ của các cơ quan này theo yêu cầu.

Dịch vụ thông báo bay là dịch vụ cung cấp các chỉ dẫn và tin tức hữu ích để tiến hành các chuyến bay một cách an toàn và hiệu quả.

Dịch vụ thông báo bay bao gồm cung cấp các thông tin về tình hình thời tiết trên đường bay và tại các sân bay liên quan; trạng thái hoạt động của thiết bị dẫn đường; tình trạng sân đường và hệ thống kỹ thuật, thiết bị tại đó, gồm cả tin tức về tình trạng khu hoạt động tại sân bay và các tin tức khác có thể ảnh hưởng đến an toàn bay.

Thực chất quốc gia nào quản lý điều hành FIR nghĩa là họ phải cung cấp các dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động theo quy định và quản lý mọi hoạt động bay ở vùng trời đó. Lẽ dĩ nhiên khi đã cung cấp dịch vụ thì đồng nghĩa việc thu tiền của những hãng hàng không sử dụng dịch vụ đó hay nói cách khác đây cũng là hình thức xuất khẩu dịch vụ tại chỗ để thu ngoại tệ. Rõ ràng việc quản lý điều hành FIR có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn quốc phòng đối với một quốc gia.

Trước năm 1975, khi miền Nam chưa giải phóng thì vùng thông báo bay ở phía Nam Việt Nam mang tên là FIR Sài Gòn, do Trung tâm kiểm soát đường dài Sài Gòn điều hành. Vùng thông báo bay Sài Gòn được thiết lập tại hội nghị liên khu vực Trung Đông- Đông Nam Á họp ở Roma từ năm 1959 đến năm 1973 và tại hội nghị không vận khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất có điều chỉnh lại ranh giới đòng thời thiêt lập mới FIR Hà Nội. 

Như vậy vùng thông báo bay Sài Gòn cũ bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt – Lào, Việt – Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc Biển Đông.

Đây là một vị trí địa lý khá quan trọng trong giao lưu hàng không do vậy khi miền Nam giải phóng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, giai đoạn này chúng ta chưa tiếp quản và mở cửa hoạt động của vùng thông báo bay Sài gòn nên giao thông hàng không quốc tế giữa Đông -Tây, Nam - Bắc trên biển Đông bị tắc nghẽn.

Để giải quyết tắc nghẽn này ICAO đã giao quyền điều hành tạm thời vùng thông báo bay này cho ba Trung tâm kiểm soát đường dài là Hong Kong, Bangkok, Singapore đảm nhận. Giai đoạn này ngành hàng không Trung Quốc cũng có kế hoạch mở rộng FIR Quảng Châu, Sanya với vùng trời mở vào FIR Sài Gòn cũ.

Thời điểm này Việt Nam chỉ quản lý, điều hành vùng trời trên đất liền của vùng thông báo bay Sài Gòn cũ. Sau ngày giải phóng thì ngành quản lý bay đã xúc tiến việc đòi lại quyền điều hành FIR Sài gòn cũ.

Chúng ta đưa vấn đề này ra tại Hội nghị Không vận lần thứ 2 tại Singapore năm 1983 nhưng hội nghị vẫn kết luận: Tạm thời giữ nguyên hiện trạng, chuyển sang Hội nghị Không vận lần thứ 3 vào năm 1993 xem xét lại.

Đây là cuộc "đấu tranh" giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ kế cận đặc biệt là Thái Lan, Singapore, Hong Kong trên nhiều lĩnh vực, trong đó, Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ICAO đưa ra.

Các tiêu chí đó thuộc sáu lĩnh vực là: Công tác kiểm soát không lưu, công tác thông tin liên lạc, công tác khí tượng, công tác dịch vụ sân bay, công tác không báo, công tác tìm kiếm cứu nạn. 

Nhận thức được sự gay go phức tạp của nó, năm 1988, Đảng, Chính phủ đã ra Chỉ thị 05/HĐBT về việc phục hồi vùng thông báo bay FIR/HCM và nâng cấp vùng thông báo bay Hà Nội nhằm giành quyền điều hành vào năm 1993 tại hội nghị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Kể từ thời điểm đó cuộc đấu tranh thực sự đã được đẩy lên ở mức cao hơn, cần nhiều ngành tham gia hơn mà nhất là ngành ngoại giao.

Phía ngành quản lý bay phải gấp rút đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho thông tin, giám sát, dẫn đường.., chuẩn bị con người có đủ trình độ kỹ thuật, chuyên môn không lưu theo các khuyến cáo của ICAO đồng thời không để bất kỳ một sai sót nào xảy ra trong điều hành bay.

Do vậy, đến năm 1993, tại Hội nghị Không vận khu vực lần thứ 3 (RAN-3) tại Thái Lan, sau các đợt kiểm tra của ICAO cho thấy, từ các nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu cho đến các phương tiện kỹ thuật của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ chí Minh (ACC HCM- Area Control Center) hoàn toàn đủ năng lực điều hành kiểm soát phần phía Nam vùng Thông báo bay Sài Gòn (tên cũ). Và đến ngày 8-12-1994 để Việt Nam chính thức nhận điều hành FIR này với tên gọi FIR Hồ Chí Minh.

Cũng cần phải nói thêm tên gọi của FIR thường mang luôn tên của Trung tâm kiểm soát bay (ACC) chính của vùng thông báo bay.

Ngay sau khi Miền Nam giải phóng chúng ta đổi tên Sài Gòn thành TP Hồ Chí Minh và ngành quản lý bay cũng lấy tên ACC Hồ Chí Minh, FIR Hồ Chí Minh thay cho tên gọi cũ. Như vậy FIR đã mang tên Hồ Chí Minh từ thời gian trước ngày điều hành chính thức như đã nói ở trên.