“Vung tay quá trán”
(ANTĐ) - Kết quả từ 107 cuộc kiểm toán tiến hành trong năm 2007, vừa được cơ quan Kiểm toán Nhà nước công bố phản ánh một “bức tranh” không mấy sáng sủa: Hầu hết các địa phương đều chi vượt trên 30%. Có cả chương trình mục tiêu quốc gia dùng kinh phí sai mục đích.
Bệnh lãng phí vẫn hoành hành, bản thân hệ thống hành chính Nhà nước lại đi chệch “quỹ đạo” thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tình trạng “vung tay quá trán” khiến cho chi phí quản lý hành chính tăng tới 9,4%, vượt dự toán tới 1.590 tỷ đồng và đẩy số tiền chi tiêu hành chính năm 2007 lên tới 18.515 tỷ đồng.
Có ba tiêu điểm “nhức nhối” nhất. Một là, các khoản chi thường xuyên như mua sắm, hội nghị, khánh tiết ở hầu hết các địa phương đều vượt ngưỡng 30%. Nhiều tỉnh mua tài sản lớn không qua đấu thầu. Hai là, kiểm toán nhiều doanh nghiệp thuộc các tổng công ty cho thấy đây chính là những “con nợ” kếch xù của nền kinh tế.
Các “đại gia” này phải trả góp tới 65.800 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Ba là, trường học thiếu, bệnh viện cần hiện đại hóa, nghiên cứu khoa học và đào tạo vẫn ở dưới mức nghèo, thế nhưng kinh phí giáo dục, khoa học còn “thừa” 425 tỷ đồng. Trong khi “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, thì tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và thất thoát vẫn tái diễn.
Ví như, có 10/29 tỉnh được kiểm toán dù đã được chia phần “bánh” ngân sách từ sớm, song lại không phân bổ kịp cho các đối tượng thụ hưởng ngay từ đầu năm nên phải “chia phần” lắt nhắt, trái quy định 127 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển dàn trải, dẫn đến bố trí vốn cho các dự án bị... lõm, hoặc “sống dở chết dở” vì đói vốn.
Đáng lo ngại trong việc quản lý, sử dụng tiền của Nhà nước là hơn một nửa số địa phương tiếp tục cho vay, tạm ứng trái quy định, trong khi vẫn “ngửa tay” xin ngân sách Trung ương bổ sung, hoặc đi vay. Phó tổng Kiểm toán Nhà nước phân tích: “Dùng ngân sách cho vay, tạm ứng chứa đựng nhiều rủi ro.
Bởi vì, cơ quan quản lý địa phươngkhông có bộ máy chuyên nghiệp thẩm định dự án như các ngân hàng thương mại, chưa kể ngân sách thì có hạn nên dễ dẫn đến xin - cho, tiêu cực”.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy nguy cơ “méo mó” ngân sách quốc gia bởi khoản chuyển nguồn hơn 77.600 tỷ đồng từ năm 2006 sang 2007, chiếm tới 20% tổng chi ngân sách. Khi chi chuyển nguồn lớn sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách, trong khi Chính phủ thì phải “chạy vạy” đề bù đắp bội chi.
Kết quả kiểm toán chứng tỏ “căn bệnh” lãng phí thâm căn. Không chỉ biểu hiện ở lạm chi, vượt chi vi phạm nguyên tắc tài chính, mà nó còn “di căn” về tận cấp cơ sở quận, huyện, xã.
Tiêu nhiều - tiêu nhanh - tiêu hoang, đã là đáng sợ, lại cộng thêm những “bệnh cũ”: Sai phạm về thực hiện chế độ, định mức; sai phạm trong xây dựng cơ bản, chi sai mục đích. Đã có 21 tỉnh báo cáo gian dối về nợ xây dựng cơ bản với số tiền không trung thực lên tới 3.369 tỷ đồng. Nguy cơ méo mó ngân sách đã được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích, chất vấn tại kỳ họp tháng trước.
Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 2.940 tỷ đồng. Cho đến cuối tháng 4-2008, trên 89% số này đã được các đối tượng kiểm toán chấp hành. Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước chưa thống kê được kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm tài chính.
Trong cơn lạm phát toàn cầu, các nước giàu cũng phải “thắt lưng buộc bụng”. Nghèo như nước ta, Chính phủ và người dân cùng đồng lòng “buộc bụng”, vậy mà “căn bệnh” lãng phí, “vung tay quá trán” vẫn ngày càng nhức nhối như một thứ bệnh mãn tính.
Đan Thanh