Vừa nóng, vừa lạnh

(ANTĐ) - Mọi sự thái quá đều không hay. Đối với bất cứ nền kinh tế nào cũng vậy, nóng lạnh đều đáng sợ cả! Kinh tế Việt Nam đang cố gắng hạ nhiệt lạm phát cho nguội bớt đi thì gặp phải đợt “không khí lạnh” khủng hoảng kinh tế thế giới tràn xuống. Có người ví “cơ thể” kinh tế nước ta như một người, đầu thì nóng, chân tay lạnh, người thì lúc nóng lúc lạnh.

Vừa nóng, vừa lạnh

(ANTĐ) - Mọi sự thái quá đều không hay. Đối với bất cứ nền kinh tế nào cũng vậy, nóng lạnh đều đáng sợ cả! Kinh tế Việt Nam đang cố gắng hạ nhiệt lạm phát cho nguội bớt đi thì gặp phải đợt “không khí lạnh” khủng hoảng kinh tế thế giới tràn xuống. Có người ví “cơ thể” kinh tế nước ta như một người, đầu thì nóng, chân tay lạnh, người thì lúc nóng lúc lạnh.

Đến lúc này, hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới đã công bố các chính sách và các gói giải pháp nhằm “giải cứu” và kích thích sức sống kinh tế. Các quốc gia đã nhanh chóng nhận ra sự phụ thuộc của nền kinh tế với thế giới bên ngoài đến mức không thể miễn dịch, miễn nhiễm.

Đành rằng khi thực thi một chính sách kinh tế, bao giờ cũng cần có độ trễ cần thiết, nhưng ở ta thường kéo theo một độ trễ về thiết kế và công bố chính sách. Từ 8 nhóm giải pháp làm “nguội” kinh tế, rồi sang 5 nhóm giải pháp làm “nóng” kinh tế. Quả là một tình huống kinh tế bất quy tắc, nên cũng phải có cách xử lý bất quy tắc.

Nói thể trạng kinh tế vừa nóng, vừa lạnh không phải là ví von. “Nóng” là lạm phát vừa được kìm chế, có thể đôi chút yên tâm, nhưng hội chứng của nó thì còn kéo dài đến hết năm 2009, thậm chí có thể “vắt” sang năm 2010.

Thế nên không thể hấp tấp mừng vội và chấm dứt những giải pháp “hạ nhiệt”. Bởi vì nguy cơ bị “sốc” do thay đổi liệu pháp và biện pháp vẫn luôn ẩn chứa. “Lạnh” là kích thích cho kinh tế ấm lên nhưng tránh những nhầm lẫn vì chủ quan do không phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa mà đã phải trả giá thời gian qua.

Hai chính sách này được ví như hai đầu tàu chính và không tách rời nhau trong chặng đường kích thích “hâm nóng” sức sống kinh tế. Chính trong thể trạng nóng - lạnh này, theo các chuyên gia kinh tế, cần cân nhắc kế hoạch và chương trình kích thích lĩnh vực tiêu dùng mang tính ngắn hạn.

Nhanh chóng vừa cải cách, vừa xúc tiến một chiến lược tài chính riêng biệt cho các chương trình xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người thu nhập thấp và trung bình. Chú trọng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có liên kết hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp nhẹ và nông ngư nghiệp trong năm 2009 - 2010.

Thủ tướng Chính phủ đã “bắt mạch” kinh tế, thấy rõ tình trạng vừa nóng, vừa lạnh hiện nay và chấp nhận con số tăng trưởng GDP 5-5,5% hoặc thậm chí có thể thấp hơn để lấy đà phục hồi “sức khỏe” kinh tế cho năm 2010.

Bởi vậy, bước quan trọng tiếp theo là tiếp tục cải cách và chuyển tải những chuyển động và kết quả từ các chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng năm 2009-2010 vào kế hoạch 5 năm 2011-2015. Khi đó GDP sẽ tăng trưởng trở lại mức 8-9% với thị trường bất động sản được mở rộng cho toàn xã hội và thị trường chứng khoán phát triển theo hướng tạo vốn dài hạn.

Điều trị một cơ thể vừa sốt nóng, vừa sốt lạnh đòi hỏi thầy thuốc cao tay. Chèo lái một nền kinh tế mà đầu nóng, chân tay lạnh thực sự là một thử thách ngặt nghèo. Lịch sử kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận đây là một giai đoạn cam go hiếm thấy, song cũng là một cơ hội lớn để vượt thoát “thân phận” của một đất nước nghèo.

Đan Thanh