Vừa đánh "giặc" Covid-19, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh

ANTD.VN - Diễn biến còn phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 cho thấy cuộc chiến này còn cam go và kéo dài. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phòng chống dịch, chúng ta có nhiệm vụ cũng rất cấp bách, quan trọng là dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Vừa đánh "giặc" Covid-19, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh ảnh 1Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - các khu chợ dân sinh tại Hà Nội thực hiện giãn cách nhau 2m giữa người bán và người mua

Cảnh giác, tập trung cao độ để phòng chống dịch

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 15-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới chiến lược phòng chống dịch hiệu quả, bền vững dựa trên cơ sở duy trì liên tục các hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan. Không được phép lơ là, mất cảnh giác. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chúng ta kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả. Mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội. Thủ tướng nêu rõ, trong chỉ đạo cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ. Có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian qua, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Quyết sách đúng đắn của chúng ta đã mang lại kết quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao khi vẫn kiểm soát được dịch với số ca mắc tính tới hết ngày 16-4 là 268 trường hợp, hơn 170 bệnh nhân đã khỏi bệnh/ra viện, đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện chúng ta vẫn hết sức cảnh giác, không một chút lơ là, tập trung cao độ để giữ cho được thành quả to lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cũng cần có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng tới rất nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh tại nước ta, trong đó những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề  là hàng không, du lịch, kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí, ăn uống… Là một trong những ngành chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất, từ đầu tháng 4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển của các hãng hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Hầu hết, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các sân bay, không được đưa vào khai thác, người lao động trong ngành hàng không hiện hầu hết đã phải tạm nghỉ việc. 

Tình cảnh tương tự là đối với lĩnh vực du lịch khi toàn bộ hoạt động lữ hành, tour du lịch và phần lớn hoạt động kinh doanh khách sạn đã phải ngừng hoạt động. Một trong những người chịu tác động nặng nề và trực tiếp nhất là những người kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là những lao động như bán vé số dạo, xe ôm, hộ kinh doanh cá thể… 

Do bị tác động bởi dịch Covid-19, hàng trăm nghìn hộ sản xuất kinh doanh, người kinh doanh cá thể buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh, chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực dịch vụ, lưu trú, ăn uống…. Hàng triệu lao động làm việc ở cả khu vực chính thức và phi chính thức tại nước ta đang bị ảnh hưởng tới việc làm, tiền lương do dịch bệnh.

Giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng

Để hỗ trợ người lao động, người nghèo trong dịch bệnh, Chính phủ đã triển khai những gói hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Trong đó, trực tiếp là gói hỗ trợ những người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 có tổng trị giá lên tới 62.000 tỷ đồng. 

Theo quyết định của Chính phủ, có 7 nhóm đối tượng với tổng số hơn 20 triệu người được nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu. Trong đó, người lao động phải nghỉ việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Người có công với cách mạng, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Gói hỗ trợ này kéo dài trong thời gian 3 tháng.

Cùng với đó, Chính phủ cũng triển khai các gói hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ thông qua ngân hàng có gói hỗ trợ tới 250 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ bằng việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp viễn thông cũng chung tay đóng góp với sự hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng.

Mọi sự hỗ trợ trong lúc dịch bệnh đều hết sức quý báu, tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như ở nước ta còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tính tới hết giờ chiều ngày 16-4 đã làm khoảng 2,1 triệu người trên khắp thế giới mắc bệnh, trong đó hơn 135 nghìn người tử vong thì một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại trước việc dịch bệnh này sẽ gây ra “một làn sóng chết chóc” nếu để nó tràn qua châu Phi và Ấn Độ. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn chưa biết khi nào mới lên tới đỉnh tại các trung tâm chính trị - kinh tế lớn toàn cầu là châu Âu và Mỹ.

Tại nước ta, ca bệnh số 268 là một thiếu nữ người dân tộc thiểu số sinh sống ở một thôn hẻo lánh thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, vùng biên giới giáp với Trung Quốc cho thấy nguy cơ dịch bệnh với nước ta còn rất phức tạp, khó lường. Nói cách khác, cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 còn cam go, kéo dài. Vì thế, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách hàng đầu lúc này là phòng chống dịch, chúng ta còn có nhiệm vụ cũng rất cấp bách và quan trọng là dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ ngày 16-4 đã đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. 

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các nhóm này không phải bất biến và cuộc họp sau của Thường trực Chính phủ sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh phù hợp. Song, đây là cơ sở để các địa phương, tùy theo thuộc nhóm nào, để đưa ra đối sách, ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện bằng được mục tiêu  bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đồng thời từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội.