Vụ Vinastas bỗng dưng công bố "nước mắm nhiễm asen": Nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh

ANTD.VN - Tối 22-10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra khẳng định 100% mẫu nước mắm (247/247 mẫu lấy trên thị trường) đều an toàn. Kết quả này đã xóa tan hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng trong suốt 1 tuần qua. Kết quả này càng cho thấy rõ hơn những nghi vấn về một kế hoạch cạnh tranh không lành mạnh đằng sau công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trước đó.

Vụ Vinastas bỗng dưng công bố "nước mắm nhiễm asen": Nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh ảnh 1

Doanh nghiệp đứng đằng sau?

Ngay sau khi Vinastas công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 67% mẫu nước mắm nhiễm asen tổng vượt ngưỡng cho phép, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm asen càng lớn, nhiều chuyên gia đã chỉ ra sự mập mờ, thiếu minh bạch trong việc công bố này.

Lý do bởi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT) của Bộ Y tế chỉ yêu cầu công bố hàm lượng asen vô cơ (thạch tín) trong nước mắm chứ không yêu cầu công bố hàm lượng asen tổng hay asen hữu cơ, thế nhưng, Vinastas lại công bố hàm lượng asen tổng. 

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế phân tích, trong thực phẩm asen tồn tại chủ yếu dưới dạng hữu cơ, đây là loại chất không gây độc hại cho sức khỏe con người. “Vì vậy, quốc tế cũng như Việt Nam đều không quy định mức giới hạn tối đa với asen hữu cơ. Còn asen vô cơ thì gây độc hại nên trong quy chuẩn của Bộ Y tế đã quy định mức giới hạn tối đa với chất này trong thực phẩm” - bà Trần Việt Nga nói.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Vinastas không có chức năng và quyền được công bố thông tin trên. Việc công bố thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng tổ chức này vẫn tiến hành buổi công bố rộng rãi trước hàng trăm cơ quan báo chí. Như vậy thì rõ ràng có dấu hiệu không bình thường, chưa kể nếu không có giấy phép tổ chức họp báo mà mời báo chí đến cung cấp thông tin rộng rãi như vậy càng chưa đúng”.

“Vinastas công bố hàm lượng asen tổng, trong khi theo QCVN 8-2:2011/BYT chỉ yêu cầu làm xét nghiệm và công bố hàm lượng asen vô cơ, việc công bố một chỉ tiêu quan trọng một cách mập mờ như vậy thì cũng không loại trừ có một ý đồ nào đó không minh bạch. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để suy đoán, nghi vấn về việc có một doanh nghiệp nào đó đứng sau việc khảo sát, công bố chất lượng nước mắm của Vinastas. Ở đây, thông thường sẽ là một hãng sản xuất lớn có những dòng sản phẩm chi phối thị trường” - ĐBQH Phạm Tất Thắng nhìn nhận.

Có sự tiếp tay trong kế hoạch truyền thông bất minh?

Không chỉ nghi vấn xung quanh việc công bố một cách mập mờ của Vinastas, dư luận cũng nghi vấn về một kế hoạch truyền thông bất minh với sự tiếp tay của một số cơ quan truyền thông và doanh nghiệp đứng sau.

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ về nghi vấn này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chưa rõ tính đúng sai hay có động cơ gì đằng sau việc công bố, đưa thông tin về kết quả khảo sát của Vinastas trên báo chí truyền thông nhưng rõ ràng trong vụ việc này, một số cơ quan báo chí đã “có sơ hở”.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Tất Thắng phân tích: “Thông thường những thông tin chính thống liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như chất lượng nước mắm phải được phát ra từ cơ quan quản lý Nhà nước, còn khi đưa thông tin từ những đơn vị không có thẩm quyền, không có chức năng phát ngôn về vấn đề đó thì phải cân nhắc, thẩm định đa chiều, khách quan.

Song nhiều khi báo chí vì muốn cung cấp thông tin nhanh cho độc giả, nhất là những sự kiện nóng, những vấn đề đang được dư luận quan tâm nên chưa có được những thông tin kiểm chứng đầy đủ”.

Theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, trong vụ việc này, đa số cơ quan báo chí đưa thông tin và phản ứng trước kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas có sự khách quan, vô tư. “Song cũng không loại trừ có thể có một vài người ở một vài tờ báo có ý định, chủ đích rõ ràng đằng sau việc tuyên truyền thông tin này, thậm chí là bắt tay, phối hợp với đơn vị cung cấp thông tin, đẩy vụ việc lên mức rất cao hay nói thẳng là “chiến dịch truyền thông bẩn”. Cơ quan chức năng nên vào cuộc xác minh làm rõ nghi vấn này” - ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu rõ: “Nếu chứng minh được có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi, tôi khẳng định họ đã vi phạm pháp luật”.

“Trong ngày 17-10, tiểu thương ở một số chợ nhận được tờ rơi nói rõ về việc nước mắm có asen là không an toàn, không có asen mới là an toàn. Đây là căn cứ để các cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm. Ngoài ra, còn có rất nhiều quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn vào dịp này trên báo chí” - luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích thêm.