Vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin: Lúc nông dân lao đao, "tư lệnh" ngành ở đâu

ANTD.VN -Tham gia tranh luận tại hội trường chiều 25-5, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, “những lúc nông dân lao đao, tư lệnh ngành ở đâu? Bức tranh ngành nông nghiệp dưới lời miêu tả của lãnh đạo ngành nông nghiệp khá sáng sủa, nhưng ở từng vụ việc cụ thể lại không thấy bóng dáng “tư lệnh”?

Vì sao nhà nông cứ long đong mãi?

Cũng trong phiên thảo luận, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) phát biểu, năm 2017 là năm đầu tiên chúng ta hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội cơ bản. Đây là thành tựu đáng trân trọng, thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Tuy vậy, trong nông nghiệp, tình trạng dư thừa rau, củ quả, mía đường xảy ra ở nhiều địa phương, giá cả không bù đắp đủ chi phí sản xuất.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, chính sách của nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, chưa thực sự hiệu quả. Tiếng là liên kết 4 nhà nhưng Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ở đâu trong khi nhà nông cứ long đong mãi?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) phát biểu

Hiện nay, nông dân ở một số địa phương không còn thiết tha với đồng ruộng. Dù làm việc cực nhọc nhưng thu nhập của nông dân lại thấp nhất so với các ngành nghề. Sự bấp bênh về năng suất, giá cả, sự phụ thuộc vào thiên nhiên  nên không biết rủi ro xảy ra khi nào, được mùa chưa chắc đã vui.

Để đảm bảo cuộc sống gia đình nhiều người bỏ ruộng vườn để đi làm công nhân trong các  khu công nghiệp. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng song lại kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là,  nông thôn hầu như chỉ còn người già, trẻ em. Ngoài việc lãng phí về tài nguyên đất do khai thác kém hiệu quả, hệ  lụy về xã hội cũng cần được quan tâm. Đó là, cha mẹ già không ai chăm sóc, trẻ em không ai dạy dỗ nên dễ bị sa ngã, kẻ xấu lợi dụng, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn có dấu hiệu xấu đi…

Trước tình trạng này, Đại biểu Hận kiến nghị Chính phủ cần rà soát chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để có điều chỉnh cho phù hợp, tập trung ruộng đất, nâng cao năng lực dự báo thị trường, tăng cường ký kết hiệp ước thương mại để giải quyết đầu ra cho nông sản khai thác có hiệu quả tài nguyên đất…

Tư lệnh ngành ở đâu khi nông dân lao đao?

Giải trình các ý kiến phát biểu của các đại biểu về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, nền nông nghiệp nước ta thời gian qua đứng trước thách thức lớn nhất nhưng lại được sự quan tâm đồng bộ, chỉ đạo xuyên suốt nhất từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành. Điều này đã tạo ra sự lan tỏa.

Trong 2 năm vừa qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, từ 3700 doanh nghiệp đã tăng lên 7620 doanh nghiệp, 12000 hợp tác xã, 33000 hộ trang trại. Về xuất khẩu, nông sản tăng cả về nhóm và thị trường. Ba nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu được tổ chức lại theo chuỗi, đưa công nghệ cao vào.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình

Về những tồn tại trong lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, tính liên kết trong sản xuất, sản phẩm còn yếu, chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất dẫn đến sản phẩm bị dư thừa từng vùng, đặc biệt là chuỗi giá trị chưa cao. Công tác quản lý nhiều mặt còn bất cập từ quản lý vật tư đầu vào, sản xuất, lưu thông hàng hóa. Thị trường rất bấp bệnh chưa ổn định, chưa có thương hiệu, chất lượng hàng hóa, mẫu mã bao bì chưa đảm bảo…

Giơ biển tranh luận sau phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng làm rõ những giá trị gia tăng trong nông nghiệp ai là người thụ hưởng, có phải là người nông dân? “Chúng ta thấy rằng, năng suất lao động của người nông dân ở nông nghiệp đang giảm dần, nghĩa là chi phí trung gian đã “ăn” hết giá trị lao động của người nông dân” – Đại biểu Ngân nói.

Cùng tham gia tranh luận, Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, “những lúc nông dân lao đao, tư lệnh ngành ở đâu? Bức tranh ngành nông nghiệp dưới lời miêu tả của lãnh đạo ngành nông nghiệp khá sáng sủa, nhưng ở từng vụ việc cụ thể lại không thấy bóng dáng “tư lệnh”?

Cho ví dụ về nhận định này, nữ đại biểu nêu, vụ phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, 10 ngày sau khi sự việc xảy ra tỉnh Đăk Nông mới lên tiếng, khẳng định “hỗn hợp bột pin thu giữ trong vụ việc này không dùng để sản xuất, nhuộm cà phê”. Trong mười ngày đó, người nông dân đã rất lao đao. Vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông sản trong nước, nhất là cà phê - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khiến dư luận hoang mang, nông dân trồng cà phê bất an.