Vụ nữ công nhân môi trường bị hành hung: Xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe

ANTD.VN - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, lực lượng chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, lực lượng chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Sáng nay, 23-6, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2017, tập trung vào xem xét 3 nội dung: tăng cường công tác bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trật tự đô thị, giao thông. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương phát biểu tại hội nghị giao ban của thành phố sáng nay, 23-6

Trình bày báo cáo về tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị văn minh đô thị trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm nay, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, lĩnh vực này đã có nhiều tiến bộ, đánh dấu bước chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành cũng như nhân dân.

Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn Thủ đô giảm so với cùng kỳ 2016. Trật tự đô thị, trật tự công cộng, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị đã văn minh, trật tự hơn. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt.

Việc sắp xếp phương tiện cơ bản đã gọn gàng đúng quy định, các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được tháo dỡ đảm bảo đường thông, hè thoáng. Quyết tâm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ” của thành phố đã dần được người dân, các cơ sở kinh doanh ở mặt đường bước đầu đồng tình và có ý thức tốt hơn trong chấp hành…

Dù vậy, theo Giám đốc CATP Hà Nội, khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này cũng còn nhiều. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu về giao thông, nhất là việc bố trí, sắp xếp lại phương tiện… dẫn đến ùn tắc, chưa đảm bảo TTATXH, TTĐT tại các điểm trông giữ xe, gây mất mỹ quan đô thị; tình trạng người dân từ các địa phương khác về Hà Nội bán hàng rong, chiếm dụng lòng đường, hè phố buôn bán, kinh doanh kiếm sống chưa được giải quyết triệt để.

Đặc biệt, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân ở mặt phố chưa cao, vì lợi ích trước mắt vẫn tái phạm, cá biệt còn có tình trạng chống đối, phản ứng lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, nhất là lực lượng Cảnh sát trật tự; vệ sinh môi trường. Điển hình như vụ hành hung chị Trần Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 2) ngày 15-6 vừa qua, trước cửa số nhà 7 phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm).

Nói rõ hơn về trường hợp này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết, nguyên nhân là trong khi đi làm nhiệm vụ thu gom rác, chị Thanh có nhắc nhở chị Trần Bích Diệp (trú tại 24 Hàng Muối, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đổ rác đúng nơi quy định, đã dẫn đến xô xát gây thương tích cho chị Thanh. CATP Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ Hoàn Kiếm điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Hiện tại, người bị hại là chị Thanh đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chưa giám định được thương tật. Nếu đủ tỷ lệ % thương tật theo quy định (từ 11% trở lên - PV), chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe. Còn nếu không đủ tỷ lệ thương tích để khởi tố thì cũng sẽ xử phạt thật nghiêm minh” – Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương khẳng định.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Công tác đảm bảo trật tự đô thị kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp (vẫn còn 1.850 điểm vi phạm cần phải xử lý, giải quyết). Một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của thành phố, có dấu hiệu “trùng xuống”, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái phạm…

Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm răn đe. Trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 197 các quận/ huyện/ thị xã của thành phố đã giải tỏa, cưỡng chế, tháo dỡ các vi phạm chiếm dụng lòng đường, hè phố (đã tháo dỡ, thu giữ gần 2.000 ô dù, biển quảng cáo và hơn 5.200 đồ vật vi phạm, dỡ bỏ 15.000 lều quán mái che, máy vẩy, 30.000 bục bệ, cầu dẫn…)

Trong đảm bảo TTATGT, TTĐT, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 287.000 trường hợp, phạt hành chính trên 89 tỷ đồng; lực lượng Cảnh sát trật tự đã kiểm tra, xử lý hơn 68.000 trường hợp, phạt hành chính gần 30 tỷ đồng; Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 14.000 trường hợp, phạt tiền hơn 25 tỷ đồng; Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra 2.317 công trình, lập 107 biên bản với số tiền trên 160 triệu đồng…

Để khắc phục những hạn chế và thực hiện tốt hơn công tác này trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung vào đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương nhấn mạnh, trong nhiều giải pháp đồng bộ thì thành phố coi giải pháp tuyên truyền giáo dục này là trọng tâm, cần thực hiện thường xuyên, liên tục với phương châm lấy phòng ngừa làm chính.

Bên cạnh đó, trong công tác thanh kiểm tra việc chỉ đạo, triển khai thực hiện của Ban Chỉ đạo 197 các cấp, những cơ quan, tổ chức, địa phương làm tốt cần tiếp tục phát huy, những nơi làm chưa tốt, có dấu hiệu “trùng xuống” cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn và quy trách nhiệm người đứng đầu.