Vũ khí "đánh" tham nhũng

ANTD.VN - Sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, cuộc chiến trường kỳ đầy khó khăn, thách thức và không ít trở ngại này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. 

Gần đây nhất, việc xét xử các “đại án” một cách công khai, minh bạch đã giúp lấy lại lòng tin của người dân vào quyết tâm “đánh” tham nhũng đến cùng của Đảng, Nhà nước.

Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở nước ta chưa bao giờ quyết liệt, thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội, của người dân cả nước như 2 năm gần đây. Nỗ lực phòng chống “giặc nội xâm” của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao bởi nó từng bước tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia của người dân vào cuộc chiến đầy cam go này.

Đặc biệt là cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện. Việc xử lý quan chức tham nhũng và tài sản tham nhũng qua các vụ đại án chứng tỏ không có “vùng cấm”, không tránh né bất kể cá nhân, tổ chức nào. 

Tuy nhiên, cố vấn về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, thông tin tố cáo, phản ánh hiện tượng tham nhũng nhưng không rõ tên, địa chỉ của người tố cáo thường là nguồn tin có chất lượng, Việt Nam cần có cơ chế xử lý nguồn tin này.

Thực tế cho thấy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp  với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đại diện Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc được phát hiện còn ít, một số vụ xử lý còn kéo dài, nhất là việc thu hồi tài sản đạt kết quả quá thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội.

Trong khi đó, quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, vì thế, không khuyến khích tính chủ động của người đứng đầu trong phòng, chống “quốc nạn” này. Các quy chế về minh bạch kê khai tài sản, thu nhập cũng chưa trở thành công cụ sắc bén để truy ra nguồn gốc thu nhập bất chính của cán bộ, công chức.

Bởi vậy, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng lần này sẽ khắc phục được những thiếu sót của luật năm 2005, đem lại niềm tin cho người dân. Vấn đề sống còn để phòng, chống tham nhũng hiệu quả mà các nước đang thực hiện thành công là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phải xây dựng được hệ thống dữ liệu chung quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập, có sự kết nối với các hệ thống dữ liệu quản lý của người có chức vụ, quyền hạn. Quyết “đánh” tham nhũng đến cùng sẽ chỉ là quyết tâm chung chung nếu không được trang bị “vũ khí” sắc bén.