Vụ cắt tai, mài vỏ bình gas: Bộ trưởng Công Thương phê bình Cục trưởng Quản lý thị trường

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nghiêm khắc phê bình Cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường vì không xử lý kịp thời, dứt điểm được vi phạm cắt tai, mài vỏ bình gas, san chiết gas trái phép gây bất bình trong dư luận.

Xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gas 

Sáng 18-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về vi phạm cắt tai, mài vỏ bình gas, san chiết gas trái phép tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh và đặc biệt là tỉnh Hòa Bình trong thời gian vừa qua.

Theo đó, Công ty TNHH Phúc Khang (tỉnh Hòa Bình) đã có nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) trong thời gian qua, được nhân dân và các cơ quan báo chí phản ánh cụ thể. Các hành vi đó là: Làm thay đổi hình dạng, kết cấu của chai LPG với số lượng 152 chai; Nạp LPG vào chai LPG không thuộc sở hữu của chính thương nhân chủ sở hữu trạm nạp với số lượng 39 chai và 34 chai chưa nạp LPG; Sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (chai LPG) với số lượng 36 chai.

Hành vi này của Công ty Phúc Khang gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nguy cơ mất an toàn, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với Công ty Phúc Khang chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và tịch thu tang vật vi phạm.

Ông Trịnh Văn Ngọc- Cục trưởng Cục QLTT cho biết, về vụ việc trên, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều lần nhưng chưa xác định được hành vi vi phạm cụ thể do trụ sở công ty ở vùng đồi núi hẻo lánh, tường rào cao. Công ty lại nuôi chó becgie, sản xuất sang chiết gas vào đêm trong khi lực lượng QLTT chỉ kiểm tra trong giờ hành chính nên khó bắt quả tang.

Đặc biệt, do doanh nghiệp này có nhiều mối quan hệ phức tạp nên các cuộc kiểm tra dễ bị lộ lọt thông tin. Sau khi nắm được thông tin, lực lượng QLTT đã phối hợp với lực lượng công an để bắt quả tang vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vụ việc chưa được xử lý hình sự do thiếu quy định pháp lý. Đáng chú ý là doanh nghiệp này vẫn tái diễn vi phạm sau khi bị xử phạt.

Không chấp nhận giải thích của đại diện Cục QLTT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn phê bình Cục QLTT chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý thị trường và vụ việc cụ thể nêu trên.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: "Vi phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng là vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng hơn còn là nguy cơ mất an toàn, cháy nổ thông qua việc chiếm dụng trái phép vỏ bình vào cơ sở phân phối. Các đồng chí cũng không nắm được và tổng hợp được số địa phương có báo cáo thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề này. Vi phạm đã rõ mà không thấy bóng dáng của QLTT ở đâu!

Vụ việc rộ lên từ tháng 5-2017 đến tháng 9-2017 thì xử lý xong, nhưng xong rồi các đồng chí có đôn đốc kiểm tra không? Cục QLTT cử đồng chí Phó cục trưởng đến làm việc ở Hòa Bình mà chỉ dừng lại ở nộp phạt và sự việc tiếp diễn. Không lẽ chúng ta bất lực trước hiện tượng vi phạm như vậy mà giải trình không đủ công cụ pháp lý để xử lý"?

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng truy vấn trách nhiệm của một số đơn vị khác thuộc bộ như Cục Quản lý Cạnh tranh, Thị trường trong nước và Vụ Khoa học Công nghệ trong công tác phối hợp xử lý những gian lận thương mại trong thời gian qua, đặc biệt là hiện tượng san chiết trái phép, chiếm dụng thương hiệu, cắt tai mài vỏ bình gas. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu phát hiện bất cập trong quy định xử lý, lực lượng QLTT cần phối hợp với các Cục, Vụ liên quan, kiến nghị với cấp trên để được tháo gỡ. 

Theo báo cáo của Chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, năm 2017, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 4.120 lượt, bằng 148,6% so với cùng kỳ năm trước. Xử lý 2.250 vụ, bằng 228,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 34,5% tỷ đồng, bằng 203% so với cùng kỳ năm trước.

Tịch thu 83.218 bình LPG 12kg, 35.214 chai LPG mini; 302 dụng cụ san chiết; 34,5 kg tem nhãn, mang co chụp niêm phong các loại.

Theo Cục QLTT, tình trạng cắt tai, mài vỏ vẫn còn xảy ra, tồn tại hiện tượng các doanh nghiệp chiếm giữ trái phép chai LPG của thương nhân khác. Nguyên nhân do thương nhân đầu mối không quản lý được vỏ bình và chưa thực hiện việc theo dõi kiểm định bình gas theo quy định.

Trong một vụ việc chiếm dụng vỏ bình gas khó xác định được các hành vi vi phạm của các đối tượng. Có nhiều doanh nghiệp mất một số lượng lớn bình gas do tình trạng san chiết trái phép hoặc chiếm dụng bình của nhau.

Quá trình trải lại bình cũng có nhiều vướng mắc vì nếu doanh nghiệp nhận lại bình đã được các đơn vị khác cắt tai, mài vỏ thì doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí để sơn sửa bình gas, chi phí kiểm định dẫn đến lãng phí tiền của doanh nghiệp mà chất lượng của các bình gas khi bị cắt tai, mài vỏ không an toàn khi sử dụng, có nguy cơ cháy nổ cao.

Bên cạnh đó, việc ký cược chai LPG thực chất là mua bán chai LPG nên khó quản lý, thu hồi chai LPG, có doanh nghiệp đã giải thể sáp nhập rồi nhưng chai LPG của doanh nghiệp đó vẫn còn lưu thông trên thị trường.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc triển khai quản lý thị trường LPG thời gian vừa qua không đem lại hiệu quả nên vi phạm tái diễn. 

"Đây là vấn đề nghiêm trọng. Cục QLTT chưa làm tròn trách nhiệm trong theo dõi thị trường và việc chấp hành pháp luật của QLTT địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị trong Bộ chưa chủ động chưa làm tròn nhiệm vụ trong tham mưu chính sách trong lĩnh vực này.

Đơn vị đầu mối là Cục QLTT chưa tổ chức tốt công tác tiếp nhận thông tin phản ánh của dư luận xã hội, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, người tiêu dùng nên việc cập nhật, bổ sung hoàn thiện quản lý Nhà nước là chưa kịp thời, dẫn đến việc thực thi trách nhiệm còn buông lỏng, chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt với hiện tượng vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí hóa lỏng. 

Tôi phê bình nghiêm khắc Cục QLTT, đồng chí Cục trưởng trong thực thi nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý trong đơn vị trong bộ và đơn vị chức năng".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời, Cục QLTT cần thành lập ngay Tổ công tác xử lý dứt điểm sự vụ doanh nghiệp Phúc Khang cũng như các đơn vị thời gian qua bị phát hiện cũng như dư luận xã hội phản ánh có sai phạm.

Cục cần phối hợp với các đơn vị thuộc bộ và ngoài ngành làm rõ 4 hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực khí hóa lỏng gồm cắt tai mài vỏ, chiếm dụng thương hiệu, sang chiết trái phép và vẩn chuyển sang chiết trái phép, báo cáo kết quả với Bộ trưởng trong vòng 1 tuần nữa.