Vụ "bổ nhiệm thần tốc" bà Trần Vũ Quỳnh Anh: Không phải thôi việc là không bị xem xét, xử lý

ANTD.VN - Chiều nay, 3-4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2017, đại diện Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ “bổ nhiệm thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…

Vụ "bổ nhiệm thần tốc" bà Trần Vũ Quỳnh Anh: Không phải thôi việc là không bị xem xét, xử lý ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn khẳng định việc thanh tra tại Sở Xây dựng

của Thanh Hóa là đúng chức trách, nhiệm vụ

PV: UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố kết quả thanh tra việc “bổ nhiệm thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh (sinh năm 1986) tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, song nhiều ý kiến cho rằng kết luận này chưa thật thỏa đáng. Xin hỏi các cơ quan của Trung ương có vào cuộc không, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra tổng thể công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại Sở Xây dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc quy hoạch, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Đây là việc làm hoàn toàn đúng chức trách, chức năng của địa phương vì theo phân cấp, việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Theo quy định pháp luật về thanh tra, các vụ việc đã có kết luận của UBND tỉnh thì Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ ngành có thể vào cuộc thanh tra lại nếu phát hiện các dấu hiệu sai phạm. Thanh tra Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ theo dõi rất chặt chẽ vụ việc này, nếu phát hiện trong quá trình thanh tra của địa phương có vi phạm thì chúng tôi sẽ thanh tra lại theo thẩm quyền.

Có ý kiến cho rằng việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã xin thôi việc, không còn là công chức nữa thì không có cơ sở để thanh tra, kiểm tra tài sản của vị này. Xin hỏi Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh điều này có cơ sở gì không, phải chăng cứ cán bộ xin nghỉ việc thì dừng thanh tra?

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: Hiện bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là công chức, tức không còn là đối tượng kê khai tài sản nên xét về nghĩa vụ kê khai, giải trình cũng như thẩm quyền xác minh, kiểm tra tài sản của vị này không còn bị điều chỉnh theo Luật phòng chống tham nhũng nữa. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, việc kê khai tài sản chỉ là một biện pháp để phòng chống tham nhũng và điều này không đồng nghĩa với việc không còn là công chức nữa thì không còn phải minh bạch tài sản của người đó với tư cách một công dân.

Kể cả khi bà Quỳnh Anh giờ làm một công dân bình thường thì cũng vẫn bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật với một công dân. Tức nếu bà Quỳnh Anh có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật chứ không phải không chịu sự quản lý của cơ quan nào nữa.