Vốn có nhưng khó giải ngân

(ANTĐ) - Trong khi lĩnh vực nông nghiệp cần sự đầu tư rất lớn, từ cơ sở hạ tầng đến máy móc, kỹ thuật thì nguồn vốn bố trí đầu tư xây dựng cơ bản của ngành cứ năm này dồn qua năm khác mà không thể giải ngân được. Đặc biệt, Thủ đô đang hướng tới xây dựng sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, song, theo nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm nay sẽ lại bị chậm.

Đầu tư xây dựng cơ bản nông nghiệp

Vốn có nhưng khó giải ngân

(ANTĐ) - Trong khi lĩnh vực nông nghiệp cần sự đầu tư rất lớn, từ cơ sở hạ tầng đến máy móc, kỹ thuật thì nguồn vốn bố trí đầu tư xây dựng cơ bản của ngành cứ năm này dồn qua năm khác mà không thể giải ngân được. Đặc biệt, Thủ đô đang hướng tới xây dựng sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, song, theo nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm nay sẽ lại bị chậm.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp cần sự đầu tư lớn nhưng vốn lại khó giải ngân
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp cần sự đầu tư lớn nhưng vốn lại khó giải ngân

Tiến độ giải ngân mới đạt 40%

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nguồn vốn bố trí cho nông nghiệp Hà Nội năm 2009 là hơn 1.084 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn phân bổ năm 2009 là 822,850 tỷ đồng, vốn năm 2008 kéo dài chuyển sang gần 261,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các nguồn vốn bổ sung trái phiếu Chính phủ và của Bộ NN&PTNT phân cấp, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hỗ trợ tái thiết sau thiên tai thành phố phân bổ. Song, tiến độ giải ngân, quyết toán cho các công trình hiện nay đang rất chậm.

Theo đó, đến đầu tháng 7 mới thực hiện giải ngân được 286,019 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Trong đó, tiến độ giải ngân cho các dự án chuẩn bị đầu tư là chậm nhất, mới bằng 12% kế hoạch năm (7,44 tỷ đồng), tiếp đến là vốn thực hiện dự án bằng 27% (80,107 tỷ đồng), vốn khắc phục hậu quả thiên tai bằng 38% (46,484 tỷ đồng). Mặt khác, việc giải ngân từ các nguồn vốn của Trung ương cũng đang gặp bế tắc. Đến đầu tháng 7, Sở NN&PTNT Hà Nội mới giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được 143,684 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, vốn Bộ NN&PTNT phân bổ được 14,884 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch.

Về sự chậm trễ này, ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những tháng đầu năm nay do chưa tiến hành phân cấp nên việc thực hiện các dự án phải triển khai theo các quyết định cũ. Đến tháng 4-2009, UBND thành phố ban hành Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách thành phố nên quá trình thực hiện các dự án đầu tư rất lúng túng.

Mặc khác, khi mới hợp nhất, trình tự thủ tục giữa 2 địa phương có nhiều điểm chưa tương đồng. Đối với Hà Nội (cũ) những dự án đã có trong danh mục đầu tư, nhưng từ một tỷ đồng trở lên vẫn phải lập hồ sơ trình phê duyệt chủ trương chuẩn bị đầu tư cho từng dự án cụ thể, còn tỉnh Hà Tây (cũ) thì không lập chủ trương đầu tư, sau khi danh mục dự án được phê duyệt, tỉnh sẽ cân đối bố trí vốn cho từng năm. Theo ông Hải, không ít dự án đã được phê duyệt, song quá trình xin giao đất phải thực hiện lại từ đầu, vì chưa có chủ trương chuẩn bị đầu tư.

Đó còn chưa kể đến khó khăn trong việc xin quy hoạch, xin đánh giá tác động môi trường từ dự án. Có không ít dự án, riêng việc giải quyết thủ tục giấy tờ cũng tốn đến hàng năm trời.

Vướng mắc mặt bằng

Theo Sở NN&PTNT, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là trở ngại lớn nhất đối với hầu hết các dự án trong ngành nông nghiệp của Thủ đô khiến tiến độ và việc giải ngân các dự án bị chậm. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, từ năm 2006 đến nay, công ty đảm nhiệm thi công 6 dự án lớn song tất cả đều gặp khó khăn về GPMB. Bởi vậy, để kịp tiến độ phê duyệt, có những dự án, công ty phải áp dụng biện pháp thi công theo hình thức cuốn chiếu, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.

Không ít dự án đến thời điểm bàn giao công trình đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Thậm chí, một số dự án xử lý khẩn cấp hiện phải tạm “đắp chiếu”, như dự án đắp đê chống tràn Sông Nhuệ. Theo bà Hạnh, công tác GPMB dự án này phải thực hiện xong trước tháng 12-2008 để chống úng cho nội thành khi xảy ra lũ lụt, nhưng do vướng mắc về thủ tục nên việc GPMB được giãn tiến độ thêm 3 tháng, tuy nhiên đến nay, mặt bằng vẫn ở dạng “xôi đỗ”, bởi vậy đơn vị gặp rất nhiều khó khăn để thi công các hạng mục công trình.

Theo ông Hải, có rất nhiều vấn đề khúc mắc khó giải quyết liên quan đến công tác bồi thường GPMB như: Thủ tục chưa đầy đủ; sự hợp tác trong công tác giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư và chính quyền các địa phương còn lỏng lẻo… Trong công tác GPMB thường bị phụ thuộc vào chính quyền sở tại, nếu địa phương nào tích cực vào cuộc thì việc GPMB mới trôi và ngược lại. Lại có những nơi do thiếu cán bộ chuyên trách trong công tác bồi thường GPMB, vì vậy địa phương giao cho chủ đầu tư phối hợp với chính quyền sở tại tự kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, sau đó huyện phê duyệt. Trong khi đó, năng lực của cán bộ cấp xã ở một số quận, huyện, thị xã còn hạn chế nên khó giải quyết được công việc…

Hạ Quỳnh