Việt Nam-Ấn Độ: Hợp tác an ninh quốc phòng là trụ cột quan trọng

ANTĐ - Ngày 15-9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam và sau lễ đón chính thức, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. 
Việt Nam-Ấn Độ: Hợp tác an ninh quốc phòng là trụ cột quan trọng  ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón tiếp Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Phủ 
Chủ tịch

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước  Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee đã trao đổi quan điểm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội cũng như chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian qua và bày tỏ sự hài lòng về tiến bộ trong nhiều lĩnh vực hợp tác, nhất là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007.    

Ấn Độ tái khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. 

Nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee bày tỏ sự hài lòng về hợp tác hiện nay trong lĩnh vực này và nhấn mạnh việc ký kết Bản ghi nhớ về Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Pranab      Mukherjee về sự giúp đỡ của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam thông qua các dự án nâng cao năng lực. Ấn Độ cũng thông báo tặng 20 học bổng cho sinh viên Việt Nam tham gia học một học kỳ tại một trường đại học của Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình mới “Kết nối với Ấn Độ”. 

Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhắc lại mong muốn và quyết tâm cùng hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á. Hai bên nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông và hợp tác tiến tới thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận. Hai bên kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh biển, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. 

Cùng ngày, Tổng thống Pranab   Mukherjee đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.