Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu vi phạm và không để tái diễn tình trạng tương tự

ANTD.VN - Chiều 3-10, tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tiếp tục thông tin về những vi phạm của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 tiếp tục các hoạt động dọc theo vùng biển miền Trung của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định bởi các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam là thành viên”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có hành động giao thiệp với Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay các nhóm tàu vi phạm trên khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đồng thời nói thêm, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông vùng biển quốc tế cho phép.

Liên quan đến phát biểu mới đây của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bãi Tư chính là vùng biển của Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Lập trường của Việt Nam đã được nêu rõ trong phát biểu ngày 12-2019 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Việt Nam khẳng định lại là khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định từ những thực thể đất liền theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cùng thực tế xét xử trong thời gian vừa qua đã khẳng định rõ điều này".

Trong 3 tháng trở lại đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều 12-9-2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định theo lãnh thổ đất liền theo đúng quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

“Không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá giới hạn về mặt địa lý và nội dung quy định được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Nhiều nước và quan chức nước ngoài cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc. Học giả và các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc rút rồi lại điều tàu khảo sát trở lại vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy nước này đang muốn cố gắng áp đặt ý muốn và tuyên bố chủ quyền phi lý của mình lên tất cả các quốc gia duyên hải khác ở Biển Đông.