Việt Nam và Italy nhất trí đưa kim ngạch thương mại lên 6 tỷ USD vào năm 2020

ANTD.VN - Sáng qua 5-6, tại trụ sở Chính phủ, cùng Thủ tướng Italy Giuseppe Conte gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên sẽ tập trung phấn đấu nâng kim ngạch thương mại trước mắt là 6 tỷ USD trong năm 2020 và tiến tới 10 tỷ USD trong tương lai gần.

Việt Nam và Italy nhất trí đưa kim ngạch thương mại lên 6 tỷ USD vào năm 2020 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Italy Giuseppe Conte duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, chuyến thăm của Thủ tướng Conte đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Italy. Italy luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, trong Liên minh châu Âu (EU). Giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị hợp tác lâu dài. Hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Hai bên đã có cuộc hội đàm rất thành công, rất thẳng thắn với nhiều nội dung quan trọng. “Trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi đã trao đổi về mối quan hệ song phương và hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Italy phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1-2013 đến nay”, Thủ tướng nói.

Hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi ở các cấp, nhất là cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kết nối các địa phương. 

Hai Thủ tướng vui mừng về sự phát triển tích cực của thương mại và đầu tư song phương nhưng kết quả đạt được còn chưa phù hợp với tiềm năng hai nước. “Chúng tôi tập trung phấn đấu nâng kim ngạch thương mại trước mắt là 6 tỷ USD trong năm 2020 và tiến tới 10 tỷ USD trong tương lai gần”, Thủ tướng nêu rõ. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối các đối tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực Italy có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như cơ khí chế tạo, cơ sở hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, dầu khí, chế biến thực phẩm và du lịch…

 “Tôi tin rằng kết quả của hội đàm thành công hôm nay và các hoạt động trao đổi, kết nối của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng nói. “Tôi xin mời các bạn Italy với gần 70 triệu dân và gần 100 triệu dân Việt Nam đi thăm thú, du lịch và đầu tư làm ăn lẫn nhau, để phát huy thế mạnh của mỗi nước chúng ta”.

Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì sự đón tiếp nồng hậu, Thủ tướng Giuseppe Conte nhất trí cho rằng, hai bên đã có một cuộc hội đàm rất hữu ích với nhiều kết quả. Hiện tại, hai bên đang có một lịch trình rất dày các hoạt động, các sáng kiến để thúc đẩy hơn nữa tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italy.

Hiện tại, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Italy tại khu vực Đông Nam Á và với tiềm năng tăng trưởng kinh tế 7%/năm thì Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên hàng đầu của Italy tại khu vực Đông Nam Á. “Hiện tại, chúng tôi được biết Việt Nam là một quốc gia với dân số rất trẻ và quan tâm nhiều tới những sản phẩm với hai tiêu chí về chất lượng và tính bền vững. Các sản phẩm Made in Italy cũng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí này”, Thủ tướng Giuseppe Conte nói. Ông mong rằng, thông qua Việt Nam- đối tác hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, có thể giúp Italy tiếp cận với một thị trường đông hơn của khu vực ASEAN với quy mô 650 triệu dân.

Ông cho biết, hôm nay 6-6, Diễn đàn kinh tế cấp cao giữa Italy và ASEAN là một minh chứng thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác không chỉ giữa Italy với Việt Nam mà giữa Italy với các cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp.