Việt Nam phải có đường đi riêng không sao chép

ANTD.VN - Ngày 26-10, Đại học Kinh tế quốc dân đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đại học Kinh tế quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”. Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các phát biểu, tổng kết về việc thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011- 2020 và đề xuất của Đại học Kinh tế quốc dân, các chuyên gia kinh tế về hướng đi trong Chiến lược 10 năm tới của đất nước và tầm nhìn tới năm 2045. Phó Thủ tướng chia sẻ, Đại học Kinh tế quốc dân được giao chủ trì 6 chuyên đề phục vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chắt lọc nội dung nghiên cứu thành 3 vấn đề lớn, bao gồm: Định vị kinh tế Việt Nam; Khát vọng và động lực phát triển; Lựa chọn và giải pháp chiến lược. Đây có thể coi là hội thảo bước đầu để Đại học Kinh tế quốc dân lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm cập nhật, phát triển thêm nội dung nghiên cứu của trường. Việc đánh giá, nhìn nhận thực trạng nền kinh tế để xây dựng chiến lược, phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, không chỉ được Trung ương đặt hàng với các nhà khoa học trong nước mà còn đặt hàng với các chuyên gia, đối tác nước ngoài để có cái nhìn khách quan, toàn diện nhất.

Phó Thủ tướng cho biết, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá cao Việt Nam là nước đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và là một trong những quốc gia mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với định hướng là nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ không tập trung phát triển kinh tế trước để có nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội mà trong từng chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế với vấn đề an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với quan điểm của nhiều nhà khoa học rằng, Việt Nam cần có con đường đi riêng với giải pháp khả thi chứ không dập khuôn theo bất cứ mô hình nào của thế giới. Về định hướng phát triển đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia cần làm rõ Việt Nam nên tiếp tục đi theo con đường trở thành một nước công nghiệp hay trở thành một nước phát triển, ở mức độ trung bình cao hay trung bình thấp…

Theo ý kiến các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức cận giữa của các nước phát triển ở trình độ thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu và định hướng chiến lược 2021-2030, Việt Nam cần thực hiện 10 giải pháp mang tính tổng thể và đột phá, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ theo định hướng ứng dụng và xây dựng quốc gia khởi nghiệp; Phát triển nhanh, đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng; Phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế; Tái cơ cấu bộ máy quản lý từ Trung ương đến các địa phương, cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào việc tạo và phát triển các nguồn lực mới; Gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh và công bằng xã hội; Gắn tăng trưởng kinh tế với bền vững môi trường và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.