Việt Nam nhất quán duy trì nền quốc phòng hòa bình và tự vệ

ANTD.VN - Việt Nam coi trọng quốc phòng để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung, song luôn minh bạch và nhất quán duy trì tính chất cơ bản của nền quốc phòng là hòa bình và tự vệ. Điều này không chỉ thể hiện trong chính sách quốc phòng mà trên cả thực tế thời gian qua.

Nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng theo đúng thông lệ quốc tế, Việt Nam đã lần đầu tiên công bố Sách trắng Quốc phòng vào năm 1998 khi bắt đầu hội nhập sâu rộng với thế giới. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 4 lần công bố Sách trắng Quốc phòng vào các năm 1998, 2004, 2009 và mới nhất là vào ngày 25-11-2019 nhằm khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

Việt Nam nhất quán duy trì nền quốc phòng hòa bình và tự vệ ảnh 1Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong buổi lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam ngày 25-11-2019

Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Phát biểu khi công bố Sách trắng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 với những nội dung cơ bản, mang tính truyền thống, cốt lõi của xây dựng Quốc phòng Việt Nam cơ bản không thay đổi so với năm 2009. 

Sách trắng lần này đề cập những vấn đề mới trong bối cảnh chiến lược hiện nay, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, thách thức về quốc phòng với đất nước; những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật quân sự, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa. Trong đó, điểm cốt lõi là khẳng định những quan điểm cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế...

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới; là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp trẻ tiếp cận được với đường lối của Đảng trong xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện chủ trương minh bạch hóa về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội và nhân dân các nước trên thế giới; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập quốc tế về quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển. 

Cùng với đó, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng thể hiện quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, khẳng định chủ trương củng cố và phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh. 

Thể hiện sự minh bạch của Quốc phòng Việt Nam 

Cũng như Sách trắng Quốc phòng 2009, Sách trắng Quốc phòng năm nay tiếp tục công bố về ngân sách quốc phòng, số quân… Các thông tin về cơ cấu tổ chức Bộ Quốc phòng, các quân, binh chủng cũng được cung cấp đầy đủ và hệ thống. 

Theo Sách trắng Quốc phòng, nhờ sự phát triển kinh tế của những năm qua, việc xây dựng tiềm lực kinh tế cho nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam đã có lượng dự trữ hậu cần đáp ứng yêu cầu đối phó với mọi tình huống khẩn cấp. Nhà nước ta đã dành một phần cần thiết ngân sách quốc gia cho các nhu cầu quốc phòng nói chung và đảm bảo trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang nói riêng.

Quốc phòng Việt Nam được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2005 là 16.278 tỷ đồng, tương đương 1,872% GDP; năm 2006 là 20.577 tỷ đồng, chiếm 2,149% GDP; năm 2007 là 28.922 tỷ đồng, chiếm 2,529% GDP…; năm 2010, ngân sách quốc phòng chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%... 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36% (khoảng 5,8 tỷ USD).

Thực hiện chức năng cơ bản là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng tinh gọn và hiện đại. Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, tỷ lệ ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng hiện nay là khá phù hợp. Thời gian tới, khi nền kinh tế càng phát triển, Việt Nam càng có điều kiện hiện đại hóa quân đội nhằm mục đích bảo vệ Tổ quốc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Sách trắng Quốc phòng lần này không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện sự minh bạch của quốc phòng Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc và không phương hại đến quốc gia nào. Thứ trưởng cho biết thêm, tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hiện nay đã nhiều hơn trước, chứng tỏ sự tự lực của Việt Nam trong vũ khí những năm qua.

Minh chứng bằng hành động trên thực tế

Nền Quốc phòng Việt Nam luôn nhất quán với tính chất cơ bản là hòa bình và tự vệ. Sự nhất quản này thể hiện rất rõ trong những vấn đề phức tạp, căng thẳng mới nảy sinh như trong vấn đề Biển Đông. Về vấn đề này, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khi ghi rõ: “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019 đã nêu rõ, quan điểm của Việt Nam là phản đối những hoạt động quân sự hóa, các hoạt động đi ngược lại luật pháp quốc tế, các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình của bất kể quốc gia nào. Đồng thời, Thứ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam đấu tranh với những hiện tượng đó, và biện pháp là vừa đấu tranh nhưng vừa hợp tác. Việt Nam đấu tranh, nêu quan điểm nhưng Việt Nam cũng hợp tác với tất cả các quốc gia để cùng tìm ra lợi ích chung, cùng giải quyết những bất đồng, khác biệt và cùng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự nhất quán đó thể hiện trên thực tế khi Việt Nam đã luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp, được công nhận và bảo hộ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Điều đó minh chứng rằng, Việt Nam luôn hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.