Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động của G20

ANTD.VN - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7-2019.

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN.

Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động của G20 ảnh 1An ninh tại thành phố Osaka của Nhật đã được tăng cường trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20

Tại các Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển…

Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức từ ngày 28 đến 29-6-2019 tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến có 4 phiên thảo luận: Phiên 1 - Về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư. Phiên 2 - Về đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Phiên 3 - Về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế. Phiên 4 - Về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Với tư cách khách mời, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 - 1998, họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế - tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Thành viên bao gồm: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia), BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU. Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

Đến nay, G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…

Bên lề Hội nghị lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có thể tiếp xúc song phương. Phát biểu với báo giới tại Thủ đô Matxcơva, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết giới chức hai nước đang xúc tiến công tác hậu cần, chuẩn bị cho cuộc gặp. Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu đây sẽ là một cuộc gặp riêng hay chỉ là một cuộc tiếp xúc thông thường, ông Peskov nhấn mạnh không loại trừ khả năng lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ gặp riêng với nội dung trao đổi cụ thể. Tuy nhiên, không có văn kiện nào được chuẩn bị để ký kết.