Việt Nam đóng góp sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mekong

ANTD.VN - Chiều 15-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý đã chủ trì họp báo quốc tế về Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29 tới 31-3.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết, GMS là chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Quang cảnh buổi họp báo chiều 15-3

GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại Tiểu vùng Mekong, khu vực gắn kết với nhau bởi dòng Mekong có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người.

Sau 25 năm, cơ chế hợp tác kinh tế GMS đã hình thành và vận hành có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, thông tin viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển đô thị.

Bởi vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 lần này, các nhà lãnh đạo sẽ tổng kết lại và xác định hướng đi trong bối cảnh khu vực đang có biến động về kinh tế, chính trị, chiến lược, nhất là định hướng cho 10 lĩnh vực hợp tác như thế nào. Tương tự, Hội nghị CLV10 cũng có mục tiêu tổng kết và định hướng phát triển sau giai đoạn hợp tác 2010-2020.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, Việt Nam coi đây là sự kiện đa phương quan trọng bậc nhất trong năm 2018. “Cơ chế hợp tác này gắn liền với những nước láng giềng và địa phương sát sườn với chúng ta, trong khi tăng trưởng khu vực đang được khơi dậy bởi những sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng lớn”, ông Đặng Đình Quý nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý giới thiệu những thông tin chính về Hội nghị GMS6 và CLV10

Việt Nam tham gia vào GMS từ năm 1992 đến nay vừa mang lại nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho đất nước, vừa đóng góp vào quá trình hợp tác đó. Về sáng kiến đóng góp với GMS6, Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS. Diễn đàn Thượng đỉnh này hiện đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của hơn 200 tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh hội thảo chuyên đề, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS sẽ tổ chức  hoạt động kết nối, gặp gỡ để các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp, quan tâm đến khu vực tìm hiểu, khám phá tiềm năng của nhau. Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, ngoài những vấn đề hoạch định chính sách thì doanh nghiệp chính là động lực để thực thi hiệu quả các cơ chế hợp tác khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm, GMS 6 sẽ có khoảng 2.000 khách mời, cùng với 150 phóng viên trong và ngoài nước tham gia đưa tin sự kiện.