Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực
(ANTĐ) - Trước sự biến động mạnh của cung-cầu lương thực như khan hiếm, giá tăng cao, cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định, an ninh lương thực trong nước hoàn toàn được đảm bảo.
Giá lương thực tăng cao
Cần đầu tư khoa học kỹ thuật đảm bảo phát triển sản xuất lương thực bền vững Ảnh: Phú khánh |
Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, mật độ mưa dưới mức bình thường trong vòng 5 tháng qua tại Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới nông dân trồng lúa mì. Còn tại Indonesia, quốc gia này mới đây đã phải nhập khẩu thêm gạo để nâng lượng gạo dự trữ lên hơn 1/3. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền nước này lo ngại giá lương thực tăng cao gây lạm phát lẫn nguồn cung cấp lương thực đang ngày càng giảm sút.
Bên cạnh đó, giá lúa mì, ngô, đậu nành và những loại hạt có dầu trên thế giới đang tăng cao ở mức kỷ lục trong khi nguồn cung cấp những loại này đang ngày càng khan hiếm. FAO cho biết, giá lúa mì hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 28 tháng qua.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng quan ngại về việc sản phẩm nông nghiệp ngày càng được sử dụng để làm nhiên liệu như ngô được dùng rất nhiều để chế tạo chất xăng sinh học. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, mức dự trữ ngô sẽ giảm 9%.
FAO liên tiếp đưa ra lời cảnh báo về tình trạng giá lương thực tăng cao, vượt qua cả cơn bão giá hồi năm 2008 vừa qua. Theo FAO, giá lương thực trong tháng 1-2011 đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm trước, lên mức 213 điểm, cao nhất từ khi FAO thiết lập hệ thống đo lường giá lương thực thế giới từ năm 1990. Giá của hầu hết các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu đã tăng từ 3% đến 6,2%. FAO lo ngại, nếu hạn hán mất mùa xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ thì giá cả sẽ chịu sự tác động khủng khiếp. FAO cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước không hạn chế xuất khẩu ngũ cốc để có thể làm dịu bớt tình hình căng thẳng về giá lương thực hiện tại.
Giá gạo Thái Lan vào giữa tháng 2 đã tăng lên mức 540 USD/tấn. Giá gạo trắng loại B của Thái Lan hiện nay là 540 USD/tấn và có lẽ sẽ tăng tới 550 USD vào cuối tháng này, thậm chí tới 567,5 USD/tấn vào cuối tháng 3. Lý do của việc tăng giá này là do các nước Indonesia, Bangladesh và Sri Lanka đều đặt mua thêm gạo của Thái Lan.
Giữ 3,2 triệu hécta lúa nước
Tại Việt Nam, giá sàn xuất khẩu gạo cũng vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hướng dẫn ở mức 500 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 480 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Trước những bất ổn về tình hình khan hiếm lương thực đang diễn ra trên toàn cầu, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, Việt Nam hoàn toàn chủ động được tình hình an ninh lương thực trong nước. Hiện, trong kho vẫn còn dự trữ 1 triệu tấn gạo. Trong khi đó, lượng lúa còn tồn trong dân rất nhiều, đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long-vựa lúa của cả nước đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân. Ước tính sẽ vào khoảng hơn 10 triệu tấn thóc, tương đương 6-7 triệu tấn gạo. “Với lượng gạo này cộng với lượng gạo dự trữ, lượng gạo còn tồn trong dân hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu không những cho xuất khẩu mà còn tiêu dùng trong nước”, ông Ngọc cho biết.
Song, ông Ngọc cũng lưu ý, Việt Nam cần có tầm nhìn về vấn đề an ninh lương thực trước áp lực tăng dân số và diện tích đất lúa bị thu hẹp và biến đổi khí hậu. Tình hình cung cấp lương thực trên thế giới rơi vào bất ổn như hiện nay, khiến khoảng 1 tỷ người rơi vào cảnh thiếu đói được FAO phân tích, là do tăng dân số, do biến đổi khí hậu khiến thiên tai, mất mùa kéo dài và kế nữa, sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua luôn gặp rủi ro, khiến năng suất thấp.
Bởi vậy, ông Ngọc cho rằng, Việt Nam cần phải cố gắng giữ được 3,2 triệu hécta diện tích lúa nước. Ngoài ra tăng cường khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Ngân Tuyền