Việt Nam bước vào "sân chơi" đầy hấp dẫn với Liên minh châu Âu

ANTD.VN - Sau gần 9 năm với nhiều cuộc đàm phán căng thẳng ở các cấp, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn thị trường EU nhờ Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Đây có thể coi là một bước đột phá nữa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn 3 thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam để đưa nền kinh tế vượt qua từng nấc thang hội nhập, từ hợp tác khu vực tới liên khu vực, từ mở cửa từng phần đến hội nhập toàn diện. 

Với việc ký kết hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với EU, vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Khác với các hiệp định tương tự mà Việt Nam đã ký với các đối tác trước đó, EVFTA và EVIPA đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao. Nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, mà còn gắn với “các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”. Thực hiện những cam kết này sẽ giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh là một quốc gia năng động, văn minh, tôn trọng luật lệ và các giá trị chung.

Kết quả này là hệ quả tất yếu từ sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam, là bằng chứng về thành công của công cuộc đổi mới, mở cửa. Nó cho thấy vị thế và vai trò đang lên của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và EU ký được Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư, bởi đây là hiệp định toàn diện nhất mà EU từng ký với một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những giao dịch của EU với các nước có nền kinh tế mới nổi khác. 

Với hiệp định được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những đối tác lớn của EU tại châu Á, ngang hàng với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng chỉ có Singapore có hiệp định tương tự với EU như Việt Nam. Là một thực thể kinh tế lớn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người nhưng chiếm tới gần 30% GDP toàn cầu, sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm, EU được xem là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn mà ai cũng muốn được thâm nhập và khai phá.

Cánh cửa của những cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 - 2% tùy nhóm hàng, trong đó có những nhóm hàng giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU, vốn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2018 (sau Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như hàng điện tử, máy tính, giày dép, cà phê, hạt điều, thủy hải sản sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nước EU.

Về phía Liên minh châu Âu, việc Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đến từ EU sẽ giúp cho khu vực này tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân, một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động bậc nhất thế giới. Xét về tiêu dùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với những mặt hàng chất lượng cao xuất xứ châu Âu như ô tô, dược phẩm và đồ uống bởi thuế nhập khẩu giảm mạnh. 

Với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu đến tìm kiếm lợi nhuận. Ngược lại, những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau được quy định trong EVIPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước trên thế giới.

Một “sân chơi” đầy hấp dẫn là điều không thể phủ nhận khi nói về EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, làm sao biến cơ hội mà EVFTA và EVIPA mở ra để nhân lên sức mạnh Việt Nam, tạo lợi thế cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế là điều mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam phải nắm lấy.