Viện phí sẽ tăng nhiều đợt

ANTĐ - Theo lộ trình đã được đưa ra, bắt đầu từ 1-7 tới, mức giá của gần 2.000 dịch vụ y tế sẽ tăng đồng loạt do cộng thêm cả tiền lương của y bác sĩ vào cơ cấu giá. Tuy nhiên, để tránh tác động mạnh đến người bệnh và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Y tế đang đề xuất thực hiện việc tăng viện phí thành nhiều đợt, trong đó đợt tăng giá gần nhất sẽ triển khai từ cuối tháng 8 tới. 

* Đợt tăng viện phí gần nhất: Từ cuối tháng 8-2016

Viện phí sẽ tăng nhiều đợt ảnh 1Dự kiến tháng 8 tới, viện phí sẽ tăng

Đề xuất thực hiện viện phí mới theo 5 đợt

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất chia nhỏ việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình đã quy định thành 5 đợt, mỗi đợt thực hiện tại 8-12 tỉnh. Cụ thể, đợt 1 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8-2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%.

Đợt 2 triển khai vào tháng 10-2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11-2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85%. Đợt 4 triển khai vào tháng 12-2016 ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1-2017 tại các tỉnh còn lại.

Ông Nguyễn Nam Liên phân tích, giá viện phí (có cộng yếu tố tiền lương vào kết cấu giá) không thực hiện đồng loạt mà triển khai thành nhiều đợt từ nay đến cuối năm 2016, đầu 2017 nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, tránh tác động mạnh đến giá tiêu dùng.

Theo tính toán, với việc triển khai thành 5 đợt, mỗi tháng giá dịch vụ y tế tác động vào chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,4-0,5%, như vậy tác động của giá dịch vụ y tế tới CPI từ nay đến cuối năm chỉ ở mức dưới 2%.

Mặt khác, việc triển khai viện phí mới đợt 5 vào tháng 1-2017 về cơ bản không ảnh hưởng đến các đơn vị vì trong ngân sách phân bổ năm 2016 đã có tiền lương cho bác sĩ, không phải tính toán để thu hồi lại số tiền đã phân bổ cho các đơn vị.

Với việc điều chỉnh giá viện phí tới đây, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao như tiền ngày giường; các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt, loại 1 có tới 7-8 bác sĩ tham gia kíp mổ… sẽ có mức tăng giá cao. Các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm thì có mức tăng thấp hơn.

Ví dụ, giá ngày giường cao nhất là giường điều trị Hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc sẽ điều chỉnh khi tính tiền lương dao động 568.900-677.100 đồng (trong khi đợt điều chỉnh tháng 3 chỉ tăng lên 350.000 đồng).

Tương tự, giá giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ điều chỉnh lên 215.300 đồng (giá vào tháng 3-2016 là 99.000)…

Bệnh viện sẽ phải nỗ lực giữ bệnh nhân

Trước đó, từ ngày 1-3-2016 vừa qua, giá của gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế đã được điều chỉnh tăng lên với mức tăng bình quân khoảng 30% do tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù của y bác sĩ vào kết cấu giá. Tuy nhiên, ở đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2016 này, viện phí mới chỉ áp dụng đối với các bệnh nhân có BHYT nên những bệnh nhân khám dịch vụ chưa bị ảnh hưởng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về mở rộng diện bao phủ BHYT cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế vừa qua về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… vì đây là các đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua BHYT.

Thậm chí, việc điều chỉnh viện phí này còn làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT do không phải trả thêm một số chi phí trước đây chưa tính trong giá.

Tuy vậy, giá dịch vụ y tế tăng lên khiến phần cùng chi trả của người dân có thẻ BHYT cao hơn. Do đó, ở đợt tăng viện phí thứ hai trong năm 2016, dự kiến sẽ triển khai vào cuối tháng 8 tới đây, khi tiền lương đã được tính vào cơ cấu giá, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh những chi phí đã tính trong giá, trừ chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT, hoặc phần chênh lệch giữa thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời, phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Theo lộ trình, đến năm 2017, Bộ Y tế sẽ kiến nghị chuyển phần ngân sách dành chi lương cho các bệnh viện sang đầu tư cho y tế dự phòng, nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo, cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình... 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, khi giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT gia tăng thì các bệnh viện cần nỗ lực để giữ và thu hút được bệnh nhân, bởi nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh, không giữ được bệnh nhân thì bệnh viện sẽ mất nguồn thu.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện cần thực hiện tách bạch khu dịch vụ riêng với khu khám bệnh bình thường nhưng không được phân biệt người bệnh khám dịch vụ với người bệnh BHYT.  Theo ước tính của Bộ Y tế, với việc tăng giá viện phí, dự kiến Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2018, sau thời điểm này sẽ phải xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT cho phù hợp.

Đến năm 2020, viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ

Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Hiện tại, viện phí mới chỉ được tính 3/7 yếu tố cấu thành giá. Theo lộ trình, đến năm 2020, viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ cả 7 yếu tố.