Viện phí, học phí tăng sốc, sẽ khó kiểm soát lạm phát

ANTĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia, lạm phát 6 tháng đầu năm mới tăng 2,35% so với tháng 12-2015, tuy nhiên việc kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng theo lộ trình bắt buộc.

Viện phí, học phí tăng sốc, sẽ khó kiểm soát lạm phát ảnh 1

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cần có sự phối hợp tốt giữa các địa phương

PGS. TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng - Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra với nhiều bất ổn và khó lường. Kinh tế Việt Nam cũng chịu những tác động nhiều chiều của bối cảnh kinh tế thế giới. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thị trường hàng hóa bắt đầu có những biến động gây lo ngại cho công tác kiểm soát lạm phát.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2016 tăng 0,46% so với tháng 5-2016 và tăng 2,35% so với tháng 12-2015. CPI 6 tháng đầu năm tăng do một số nguyên nhân chủ yếu là giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng theo lộ trình.

Cụ thể, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12% góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó còn có các yếu tố như tăng lương tối thiểu vùng, yếu tố thị trường...

Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong 5 năm gần đây, chỉ số giá nhóm y tế và giáo dục, trong đó đặc biệt là nhóm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã tăng rất nhanh và tác động mạnh tới CPI, thậm chí có những giai đoạn hoàn toàn chi phối biến động của CPI.

TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế chỉ rõ, giá dịch vụ y tế, giáo dục chỉ có xu hướng tăng mà không có hiện tượng giảm ngoại trừ duy nhất tháng 7-2011 (chỉ số giá nhóm giáo dục bất ngờ giảm 0,02%).

Theo TS Vũ Đình Ánh, các chỉ số này được điều chỉnh tăng theo từng đợt và thậm chí tăng sốc. Từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2016 có hơn 10 lần tăng giá dịch vụ giáo dục và khoảng 10 lần tăng giá dịch vụ y tế.

Theo đó, tháng 9-2016 rất có thể sẽ có đợt tăng giá dịch vụ giáo dục tiếp theo với biên độ tăng dao động trong khoảng 1,5% - 10%. Trong khi đó, chỉ số giá dịch vụ y tế có thể tiếp tục tăng thêm 1 hoặc 2 lần nữa vào các tháng 8, 9 hoặc 10-2016 với mức tăng khoảng 10-15%.

“Xu hướng chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016 là chắc chắn, chỉ có vấn đề là thời điểm và mức độ tăng. Việc tăng phù hợp với lộ trình chuyển đổi giá hai loại dịch vụ này từ bao cấp sang hạch toán đầy đủ và tiến gần hơn đến cơ chế thị trường”, TS Ánh dự báo.

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, công tác quản lý, điều hành giá sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác, từ đó tác động đến giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công như y tế và giáo dục theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới là những thách thức lớn.

Các chuyên gia đánh giá, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,35% với tháng 12-2015 là còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Bởi từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực.

Ngoài khả năng giá dịch vụ y tế, giáo dục điều chỉnh thì còn các yếu tố cần phải được lưu ý là thiên tai, thời tiết, tăng lương cơ sở, áp lực tỷ giá… Đặc biệt, việc giá dầu đang trong xu hướng hồi phục cũng sẽ tác động mạnh đến lạm phát.

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại  (Bộ Công Thương) cho rằng: “Điều đáng tiếc nhất là đã không kịp thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ, y tế vào năm ngoái khi các chỉ số tăng trưởng, lạm phát đều rất “đẹp”. Lạm phát năm nay sẽ khó đạt chỉ tiêu 5% vì riêng 6 tháng đầu năm đã tăng 2,35%. Dự báo 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn, ở mức 2,7%-3%”.

Cũng có ý kiến cho rằng, lạm phát có thể ở 4,8%-5,2% trong năm nay. Không loại trừ khả năng lạm phát vượt qua mức mục tiêu 5% do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp bởi chịu tác động từ các yêu tố bên ngoài.

TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo: “Kinh nghiệm từ những lần điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục giai đoạn 2011-2015 và đánh giá tác động tới CPI hàng tháng rất cần được đúc rút, nghiên cứu kỹ nhằm rút ra quy luật để chủ động điều chỉnh. Hơn nữa, việc điều chỉnh cần có sự phối hợp, điều phối tốt giữa các địa phương để giảm những cú sốc đột ngột như đã từng xảy ra trong quá khứ”.