Việc sáp nhập các Bộ không mang tính cơ học

(ANTĐ) - Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã khẳng định như vậy khi trao đổi về việc đổi mới tổ chức bộ máy Chính phủ và hoạt động của QH nhiệm kỳ khóa XII, bên lề Quốc hội sáng 31-7.

Việc sáp nhập các Bộ không mang tính cơ học

(ANTĐ) - Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã khẳng định như vậy khi trao đổi về việc đổi mới tổ chức bộ máy Chính phủ và hoạt động của QH nhiệm kỳ khóa XII, bên lề Quốc hội sáng 31-7.

Ông Phan Trung Lý
Ông Phan Trung Lý

- PV: Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII đã giảm từ 26 xuống 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ, theo ông đâu là điểm mấu chốt trong việc đổi mới tổ chức bộ máy Chính phủ?

- Ông Phan Trung Lý: Phải khẳng định việc tinh giản đầu mối, giảm các khâu trung gian, tầng nấc ở các Bộ sẽ đảm bảo việc chỉ đạo được liên thông, khắc phục chồng chéo, không rõ chức năng làm hạn chế hiệu quả cải cách hành chính. Điểm mấu chốt trong đổi mới cơ cấu bộ máy Chính phủ là đảm bảo việc sáp nhập các Bộ không mang tính cơ học.

Ví dụ, việc nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay nhập ủy ban Thể dục Thể thao, Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa, nếu làm không khéo thì ta lại bê y nguyên bộ máy, cơ cấu cũ vào một cơ quan mới, tức là hợp nhất mang tính cơ học. Nếu như vậy là không thực hiện được cải cách hành chính mà lại thêm đầu mối trong đầu mối, có khi dẫn tới cồng kềnh, chồng chéo. Do đó khi nhập cũng đồng thời phải đổi mới lại tổ chức.

Tóm lại, việc gộp bộ máy từ Trung ương tới địa phương đều phải đảm bảo nguyên tắc không cơ học, không máy móc. Mục đích chính là để nâng cao hiệu quả công tác, tinh gọn theo tinh thần cải cách hành chính.

- PV: Chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh của các Bộ sẽ được tách bạch như thế nào, thưa ông?

- Ông Phan Trung Lý: Chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ phải tách khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, đảm bảo các Bộ thực sự là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó và Bộ trưởng trở thành “Tư lệnh lĩnh vực”.

Tuy nhiên, lộ trình xây dựng đa ngành, đa lĩnh vực cũng chưa phải đã giải quyết vấn đề ấy một cách triệt để vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác và còn liên quan chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ. Chức năng, nhiệm vụ này sẽ do Chính phủ quy định trong Nghị định.

Việc có thực hiện tốt hay không, không phải nằm trong Nghị quyết của Quốc hội mà phải căn cứ quy định trong Nghị định của Chính phủ, căn cứ các luật Quốc hội thông qua về từng lĩnh vực, quy định việc quản lý như thế nào mới thực hiện được yêu cầu đó.

- PV: Ông nhận xét thế nào về việc lựa chọn các thành viên Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn kỳ này?

- Ông Phan Trung Lý: Việc lựa chọn nhân sự thực hiện qua rất nhiều bước, Thủ tướng giới thiệu những người đã qua thử thách, tôi luyện, kiểm chứng trong quá trình công tác, rèn luyện.

Do đó, chúng tôi tin tưởng những người đã được chọn để Quốc hội phê chuẩn vào chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng sẽ đảm đương được trách nhiệm, họ là những người có trách nhiệm, bản lĩnh, có khả năng điều hành, quản lý.

- PV: Vậy các thành viên Chính phủ liệu có đưa ra chương trình hành động trước khi Quốc hội phê chuẩn hay không?

- Ông Phan Trung Lý: Một số đại biểu cũng có ý kiến như thế. Khi giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng đã nêu một số vấn đề về những đồng chí đó như quá trình công tác, năng lực, trình độ để Quốc hội xem xét, quyết định. Còn luật không quy định những người này phải đưa ra chương trình hành động trước Quốc hội.

- PV: Theo ông, hoạt động chất vấn các thành viên do Quốc hội bầu, phê chuẩn có cần  đổi mới?

- Ông Phan Trung Lý: Việc chất vấn dần dần phải biến thành hoạt động thường xuyên, bình thường của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Luật đã quy định những chức danh nào trả lời chất vấn trước Quốc hội thì những người đó không phải đợi đến kỳ họp Quốc hội mới trả lời chất vấn mà trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu có thể chất vấn.

Việc trả lời có thể tại ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên họp của ủy ban. Các ủy ban có thể mời họ đến để trình bày vấn đề quan tâm.

Đăng Quân (ghi)