Tại Công ty cổ phần may Lê Trực:
Vì sao công nhân đình công?
(ANTĐ) - Sáng 21-11, hàng trăm công nhân của Công ty CP may Lê Trực tại phố Lê Trực đã đình công trước cổng công ty yêu cầu Ban Giám đốc có câu trả lời thỏa đáng về tương lai và số phận của họ khi công ty chuyển sang địa điểm mới. Người lao động cho rằng, hành động này không khác nào việc đem con bỏ chợ, đẩy hàng trăm con người có nguy cơ mất việc lâm vào hoàn cảnh khó khăn...
Lo lắng vì sợ mất việc, giải quyết chế độ không hợp lý...
Có mặt tại trước cổng Công ty Cổ phần May (CTMCM) Lê Trực, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm công nhân với gương mặt thất thần.
Chị Đỗ Hạnh Nguyên làm ở phân xưởng May I không giấu nổi vẻ lo lắng: “Chúng tôi đã làm tới 4, 5 lá đơn kiến nghị với Ban Giám đốc (BGĐ) công ty đề nghị tổ chức một cuộc họp giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng BGĐ đã không quan tâm đến ý kiến của chúng tôi. Tôi làm việc tại công ty đã gần 20 năm nay, nhưng khi giải quyết chế độ, BGĐ lại tính từ năm 1999 về trước trả theo quy định 141 theo cấp bậc lương bản thân, từ năm 2000, khi tiến hành cổ phần hóa thì công nhân được trả 50% theo mức lương hiện hành. Điều đáng nói là BGĐ công ty lại bắt chúng tôi làm đơn tự xin thôi việc với lý do công ty bán cho một công ty khác và chuyển đổi tên công ty. Chúng tôi cũng không nhận được bất cứ thông báo hay văn bản nào từ phía BGĐ công ty về việc chuyển đổi và thành lập công ty mới”.
Chị Nguyễn Thị Lương, làm tại phân xưởng 3 cho biết: “Tôi làm ở đây đã được 4 năm, lương của tôi cộng tất cả các khoản được gần 1 triệu đồng/tháng. Hàng tháng tôi vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng cho đến nay sau khi sinh con được 5 tháng, tôi vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào!?”.
Công đoàn dàn xếp đối thoại Trước những bức xúc này, Đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng quản trị công ty và công nhân. Sự việc kéo dài đến khoảng 14h chiều qua, 21-11. Theo ông Vũ Dũng - Giám đốc công ty (đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị) cho rằng: Công ty giải quyết chế độ hoàn toàn theo đúng luật. Việc công nhân yêu cầu trợ cấp trích từ lợi nhuận của công ty để bù đắp thiệt thòi cho họ thì công ty sẽ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường và sẽ trả lời sớm bằng văn bản, chậm nhất là vào thứ sáu ngày 30-11 tới. Một thành viên Hội đồng quản trị của công ty thì cho rằng, công ty sẽ có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội để xin tư vấn về việc giải quyết các chế độ theo đúng luật. Trước mắt, chưa thể quyết định được việc trợ cấp ở mức bao nhiêu, 1 mức hay 2 mức vì còn phải họp thành viên Hội đồng quản trị. Về phía đại diện Công đoàn ngành Dệt may cũng chỉ xoa dịu bằng lời hứa, chậm nhất cũng vào ngày 30-11, công ty sẽ có văn bản chính thức trả lời thắc mắc của người lao động. Huệ Chi |
Đa phần công nhân đình công có chung thắc mắc: Chúng tôi mong muốn công ty phải ghi rõ việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng công ty vẫn chi trả trợ cấp thôi việc nhưng ghi rõ từ thời điểm nào.
Mặt khác, công ty di dời mà bồi thường cho công nhân theo điều 42 - Luật Lao động là không thỏa đáng vì nếu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng là chúng tôi phải tìm được công việc mới cho mình.
Trong trường hợp này chúng tôi buộc phải làm đơn xin thôi việc vì mong muốn được tiếp tục làm việc tại CTCPM Lê Trực không được BGĐ công ty có câu trả lời thỏa đáng và chúng tôi không biết sau khi chuyển đến địa điểm mới thì địa điểm hiện nay sẽ dùng để làm gì.
Hiện tại, trụ sở mới mà BGĐ thông báo chúng tôi không được biết ở đâu. Chúng tôi hết sức hoang mang vì không biết tương lai, cuộc sống của mình sẽ ra sao khi đã gắn bó nhiều năm với công ty?!.
“Chúng tôi đã làm đúng luật”…?!
Về việc giải quyết chế độ chính sách cho công nhân khi Công ty di chuyển trụ sở, ông Vũ Dũng – Giám đốc CTCPM Lê Trực cho biết: “Công ty đã giải quyết chế độ chính sách cho công nhân hoàn toàn đúng luật.
Người lao động bức xúc |
"Còn đối với những yêu cầu của họ mà luật không quy định, chúng tôi phải triệu tập đại hội cổ đông để thống nhất hướng giải quyết chứ Ban Giám đốc không có quyền quyết định. Tôi cũng xin khẳng định từ trước đến nay, công ty luôn thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân”.
Được biết, theo thông báo gần đây nhất của Giám đốc công ty về kế hoạch di chuyển địa điểm thì thời gian dự kiến di chuyển nhà máy đến địa điểm mới (tại cụm công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) sẽ bắt đầu từ 1-1-2008 và không duy trì sản xuất tại địa điểm cũ.
Song đến thời điểm hiện tại, theo ông Dũng: “Việc xây dựng nhà máy tại địa điểm mới vẫn chưa hoàn tất”. Vậy trong thời gian ngừng sản xuất tại địa điểm cũ để chờ di chuyển, hàng trăm công nhân của công ty sẽ làm gì và được hưởng chế độ như thế nào.
Và, nếu di chuyển đến địa điểm mới thì trụ sở cũ của công ty tại phố Lê Trực sẽ dùng để làm gì ? Những câu hỏi này đã bị ông Dũng từ chối trả lời với lý do “đó là việc riêng của Hội đồng quản trị công ty” ?!
Huệ Anh – Ngọc Hân