Vi phạm về đất đai tại các khu đô thị: Không thể vỗ tay bằng một bàn tay

ANTD.VN -  “Sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư..”, đó là ý kiến của ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) tại tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội vào sáng nay (27-5) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018…

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, Nghị quyết của Đảng  từ năm 2012 đã chỉ ra rất rõ, đối với các dự án kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội chỉnh trang đô thị cần quy hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn từ đất đai đầu tư cho công trình này, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách.

Đây là chủ trương đúng đắn mang lại nhiều lợi ích, kể cả người dân, nhưng thực tế triển khai ít, nơi làm nơi không, công trình làm công trình không. Giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để nộp cho ngân sách hiện nay rất bất cập, không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân gây bức xúc khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh nội bộ, các dự án không tuân thủ giấy phép quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

“Đây là vấn đề rất búc xúc. Tại nhiều chung cư người ta tập trung đông người treo băng rôn, khẩu hiệu để đòi quyền lợi có chung cư. Như tòa nhà Kinh Đô tại ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội từ năm 2017 đến nay người dân nhiều lần tập trung phản đối chủ đầu tư, giăng kín khẩu hiệu băng rôn mặt tòa nhà”, ĐB Hàm nêu.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng đề nghị thêm, Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lí dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay được cần di dời người dân để tạo quỹ đất sạch hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ.

Thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu.

“Tôi đề nghị với các sai phạm được phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư. Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Vì vậy, cũng cần phải xử lý nghiêm”, ĐB Hàm nói.

Còn ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, về giao đất cho các dự án đã quá thời hạn theo quy định nhưng chưa triển khai, thực hiện đã xảy ra ở hầu hết các địa phương làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị báo cáo cần nêu cụ thể các dự án này để có giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.

Đối với quy hoạch sử dụng đất đai đô thị, kết quả cho thấy trong công tác quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy quy hoạch chi tiết đạt thấp, một số tỉnh đạt khoảng 10% và tỷ lệ đô thị ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chiếm khoảng 26% tổng các đô thị.

Theo ĐB Tiến, do thiếu quy hoạch chi tiết và cơ chế quản lý quy hoạch kiến trúc nên hạn chế lớn trong việc quản lý xây dựng theo quy hoạch cũng như quản lý kiến trúc và cảnh quan. Báo cáo nêu việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần, 95/1390 dự án điều chỉnh từ 3 lần trở lên, 9 dự án điều chỉnh hơn 5 lần. Việc điều chỉnh dự án phần lớn tạo điều kiện để làm lợi cho nhà đầu tư”.

“Trong báo cáo mới đề cập đến những bất cập về giá đất. Giá đất cụ thể được định giá chưa phù hợp với thị trường, còn bất cập về khung giá đất do Chính phủ ban hành, một số nơi đã áp dụng mức giá tối đa theo khung giá đất nhưng chưa sát với thị trường; bất cập về giá đất, chính sách đất đai nêu trên là nguyên nhân dẫn đến những khiếu nại của người dân có đất thu hồi và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng” ĐB Tiến nói.