Vì một thành phố văn minh
(ANTĐ) - Bắt đầu từ ngày 16-4-2008, 12 điểm trung chuyển đất, phế thải, phục vụ nhu cầu đổ đất, phế thải xây dựng khối lượng nhỏ đã được Sở Giao thông Công chính triển khai, đưa vào hoạt động trên địa bàn 4 quận của thành phố. Đó là những bước đi đầu tiên nhằm thực hiện đề án 31 của Thành ủy về cải thiện môi trường xã hội.
Phế thải xây dựng có mặt trên mọi nẻo đường
Trước khi đề án này đi vào hiện thực cuộc sống, thành phố Hà Nội cứ ra ngõ là gặp rác thải xây dựng. Nhà này làm lại công trình vệ sinh, nhà kia khoan một giếng nước... rất nhiều những công việc khác liên quan đến nhà cửa và có phế thải xây dựng. Nhưng người dân lại không biết đổ những “của quý” ấy đi đâu. Chuyển lên xe chở rác thải của mấy chị công nhân vệ sinh thì thế nào cũng nhận được lời cằn nhằn và cái nhiếc mắt không hài lòng. Còn khối lượng mà tương đương với 1, 2 chuyến xe thồ, mà phải xuống tận bãi đổ đất, phế thải của thành phố ở Yên Sở - Hoàng Mai hay Vân Nội - Đông Anh thì quả là tốn công, tốn tiền. Thôi thì nhờ ngay mấy bác “cửu vạn”, chuyển đi, đổ bậy đâu đó ra đường là xong, khỏi phải suy nghĩ. Và cứ thế, bộ mặt đô thị ngày càng xấu đi, nham nhở vì phế thải xây dựng.
Điểm trung chuyển phế thải xây dựng tại Công viên Tuổi Trẻ |
Cải thiện môi trường xã hội hướng tới ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là mục tiêu của lãnh đạo thành phố mà hơn hết là những người dân đang sống ở thành phố này. Trước hiện trạng phế thải xây dựng đổ bừa bãi không những làm mất đi hình ảnh đô thị đẹp mà hơn thế còn là nguyên nhân của những vụ tai nạn và ùn tắc giao thông.
Thanh tra Giao thông Công chính dù có mặt thường xuyên trên các tuyến đường, để tuần tra canh gác cũng không ngăn chặn được việc làm của những người dân thiếu ý thức. Trước tình hình đó, Sở Giao thông Công chính đã đề đạt lên thành phố cho xây dựng các trạm trung chuyển phế thải xây dựng miễn phí tại các quận nội thành, chú ý đến những điểm gần các khu dân cư và giao cho các đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hạ tầng đô thị thực hiện dự án.
Chung tay xây dựng một thành phố sạch
Theo dự án có 13 điểm sẽ được triển khai đi vào hoạt động, nhưng đến thời điểm này, điểm trung chuyển ở góc hè Trần Quang Khải - Hàng Thùng thuộc quận Hoàn Kiếm do Công ty cổ phần hạ tầng xây dựng Tiến Thịnh phụ trách đã xin không đi vào hoạt động do diện tích quá nhỏ hẹp.
Đây cũng là công ty tư nhân duy nhất được giao làm dự án này. 13 điểm trung chuyển rác thải xây dựng này tuy đặt dưới sự quản lý của các đơn vị như Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, Công ty cổ phần Môi trường Thăng Long, HTX Môi trường Thành Công và Công ty Tiến Thịnh nhưng đều do Sở GTCC chọn địa điểm và bàn giao cho các công ty trông giữ, xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt biển báo, bố trí người trông giữ điểm, hướng dẫn người dân đổ phế thải đúng nơi quy định. Ngoài ra mỗi công ty có trách nhiệm tổ chức một đội chuyên đi tuần tra, cùng với Thanh tra GTCC, phát hiện những cá nhân, đơn vị đổ bậy rác thải xây dựng ra đường phố, có quyền xử phạt những đơn vị đó. Nếu không phát hiện được người đổ trộm rác thải thì công ty có trách nhiệm thu gom chỗ rác thải đó, đưa vào điểm trung chuyển.
Dù có những ý kiến không đồng tình của một vài người dân nơi có trạm trung chuyển rác thải xây dựng là gây ồn ào vì các xe đến vận chuyển rác thải xây dựng thường vào buổi tối và ban đêm, ảnh hưởng đến lối đi, một số nơi còn làm hỏng vỉa hè. Nhưng xét trên mọi bình diện thì những điểm trung chuyển rác thải xây dựng này phần nào đã mang lại lợi ích cho người dân. Theo số liệu mà các điểm trung chuyển báo cáo về Sở GTCC thì khối lượng trung chuyển trong những ngày đầu mới chỉ ở mức khoảng 30-40m3/ngày đêm.
Đến nay sau 20 ngày điểm trung chuyển đi vào hoạt động, mỗi ngày, mỗi điểm chứa không dưới 100m3 phế thải xây dựng, tương đương với khoảng 150 tấn phế thải xây dựng. Người dân chuyển phế thải xây dựng tới điểm trung chuyển chủ yếu bằng các loại xe thô sơ như xe cải tiến, xe thồ vì ở trạm này chỉ cho phép đổ tối đa đến 1 tấn rác thải. Mỗi người đến đổ phế thải xây dựng, đều phải khai báo nguồn gốc, không để những cá nhân đơn vị lợi dụng để trở thành những điểm chứa phế thải xây dựng với khối lượng lớn. Sự chuyển biến tích cực nhất là với 4 quận đã có điểm trung chuyển rác thải, gần như trên những con đường đã không còn phế thải xây dựng đổ trộm và đổ bừa bãi, đem lại bộ mặt văn minh cho đô thị hiện đại.
Rất nhiều nội dung tuyên truyền với nội dung vì thành phố sạch đẹp đã được chuyển tới người dân. Trong thời gian tới đây, các quận còn lại của thành phố sẽ được triển khai lập các trạm trung chuyển phế thải xây dựng miễn phí. Và để rút kinh nghiệm từ những trạm đã lập, đề nghị Sở GTCC cần nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng nơi đặt trạm, gần khu dân cư là cần thiết nhưng cũng cần đảm bảo môi trường vệ sinh cho các trạm và không ảnh hưởng đến đời sống của những người dân tại các khu vực đó.
Châu Anh