Vẹn tròn việc nước, việc nhà

ANTĐ - Người phụ nữ ấy đã làm công tác quản giáo 20 năm. Chị không còn nhớ hết được những câu chuyện với những phạm nhân, nhưng chỉ cần gợi lại, quá khứ sẽ ùa về như một cuốn băng quay chậm, hiện hữu. Hy sinh nhiều, vất vả lắm nhưng 20 năm qua, chị - Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh vẫn vẹn tròn hai vai, một người mẹ, người vợ - một nữ chiến sỹ công an.

Tốt nghiệp Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I năm 1990, chị được phân công về Công an Hà Nội, đúng lúc Trại tạm giam số 1 đang thiếu quân số nữ. Mặc dù học chuyên ngành điều tra tội phạm, nhưng chị không hề chần chừ đã nhận nhiệm vụ. Hơn 20 năm phấn đấu, giờ đây chị đã trở thành Đội phó Đội quản giáo 3 đồng thời là Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại tạm giam số 1.

Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội là nơi “hội tụ” đầy đủ các đối tượng như tạm giữ, chuyển tạm giam chờ xét xử, có án chờ đi trại. Đối tượng nam như thế nào thì đối tượng nữ cũng như vậy, hết sức phức tạp. Công việc hàng ngày của chị cùng các đồng đội là quản lý các đối tượng phạm tội, nghe tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng là khó khăn lớn nhất với các chị. Môi trường công tác độc hại, thời gian đòi hỏi mỗi nữ cán bộ phải có mặt 24/24h tại đơn vị, trong khi mỗi chị lại còn gánh nặng gia đình. Ngày lễ, tết cũng là lúc phạm nhân có những diễn biến tâm lý bất thường, khiến các chị lại vất vả hơn, dành nhiều thời gian hơn và cũng vì thế lại càng ít ở nhà hơn. Cũng may chồng chị cùng ngành nên dễ dàng thông cảm hơn so với người khác.

Phía sau những chiếc cổng khóa tưởng chừng như rất an toàn kia là những đối tượng phạm tội. Không phải đối tượng nào cũng cho rằng mình cần phải chịu sự trừng phạt của pháp luật mà đôi khi phạm nhân còn thường trực suy nghĩ bỏ trốn khỏi nơi giam giữ. Chính vì vậy, công việc của Trung tá Hạnh và đồng đội khi vào ca trực không phải ngồi mát trong phòng điều hòa vào mùa hè, ủ ấm vào mùa đông mà cứ 15 phút các chị lại dạo một vòng quanh các buồng giam. 

Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội được chia thành 3 đội trong đó có 2 đội nam và 1 đội nữ. Số chị em hiện đang công tác tại đây là 56 chị, chiếm gần 10% quân số toàn trại. Cùng với công tác chuyên môn, Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hội, tạo cho chị em những sân chơi để hoạt động phụ nữ không trở nên nhàm chán. Chị xác định rõ, người Chủ tịch Hội phải nhiệt tình thì phong trào phụ nữ mới giành được nhiều thành công góp phần vào phong trào thi đua chung của đơn vị. Năm 2011, Hội Phụ nữ Trại tạm giam số 1 được tách thành các chi hội nhỏ nên việc họp hành triển khai công tác phụ nữ cũng dễ dàng hơn. Khó khăn của đơn vị là thời gian không nhiều, rất khó khăn trong tập hợp chị em, Trung tá Hạnh liền nghĩ ra cách phân chia thời gian hợp lý, đảm bảo công tác chuyên môn nhưng vẫn cho chị em cơ hội được giao lưu học hỏi với các đơn vị bạn, những chuyến đi chơi đầu xuân... Chị luôn chú ý đến những việc tưởng chừng như rất nhỏ như thăm hỏi mỗi khi chị em ốm đau, sinh con, gia đình có chuyện vui buồn. Ở đơn vị chị có nhiều chị em sinh con một bề, nhất là con gái mà gia đình chồng không thông cảm, chị thường xuyên đến thăm hỏi, vận động chị em không sinh con thứ 3, phân tích cái lợi, cái hại để chị em hiểu. 

Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh tâm sự, chị sẽ không có được ngày hôm nay nếu như phía sau chị không là một gia đình ủng hộ và yêu thương chị. Khó khăn vất vả của người nữ cán bộ quản giáo là không có nhiều thời gian cho gia đình cộng với việc chị rất năng nổ trong hoạt động Hội, thường xuyên có những chuyến công tác xa nhà. Chị tâm sự: Chồng còn thương mình mà chuyển nhà từ Ngã Tư Sở về Mai Dịch để chị đi làm cho gần. Con trai ngoan, đang là sinh viên Học viện Ngân hàng. Có những ngày, người trong nhà mấy ngày không ăn cơm cùng nhau vì chồng chị làm Cảnh sát giao thông, 2 ngày phải trực một lần trong khi chị thì 3 ngày trực một lần. 

Bài viết nhỏ này chưa đủ để khắc họa nên hình ảnh một nữ chiến sỹ quản giáo của CATP Hà Nội, chỉ xin là một bông hoa, chúc mừng Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh cùng những đồng đội của chị trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Các chị như là những bông hoa mùa xuân nở đẹp góp sắc hương và mềm đi những cánh cổng sắt thâm u của nơi mà không ai muốn đến dù chỉ là một lần trong đời.