Về đến Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên
(ANTĐ)- "Chúng tôi không nghĩ lại đến một vùng đất nguy hiểm như thế. Đặt chân về Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên"- Lý Seo Sáng nói.
>>>176 lao động Việt Nam đầu tiên trở về từ Libya
Thu Huyền sung sướng khi nhìn thấy anh trai đang lấy hành lý |
Lý Seo Sáng và Lý Seo Sang là hai anh em ruột, quê ở huyện Simacai (Lào Cai). Hòa chung vào đoàn công nhân lao động 176 người, họ đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào lúc 4h sáng ngày 26/2, sau 10 tháng sống và làm việc tại Libya.
Bước ra ngoài cửa sảnh đến quốc tế, Lý Seo Sáng hít đầy một hơi không khí buổi sáng trong lành, như muốn đánh tan đi sự mệt mỏi do phải ngồi bó gối trên những chuyến bay dài, liên tục. Anh thuật lại: “Máy bay cất cánh ở Libya lúc 5 giờ chiều ngày 24/2, mất 1 giờ để đưa cả đoàn sang Malta; sau đó từ Malta lại bay sang Dubai, ngồi đợi quá cảnh ở đây để bay thẳng về nước”.
Quãng đường từ sân bay Nội Bài về đến huyện Simacai giờ đây trở nên thật ngắn ngủi, Lý Seo Sáng bảo: "Chúng tôi không nghĩ lại sẽ đến một vùng đất nguy hiểm như thế. Đặt chân về Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên".
Hạnh phúc trở về |
Đứng lẫn trong đám đông ở cửa đến quốc tế sân bay Nội Bài có một cô gái nhỏ nhắn mặc áo đỏ mà cánh phóng viên hầu như ai cũng biết tên tuổi, địa chỉ: Đỗ Thị Thu Huyền, trú tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cô “nổi tiếng” vì đã có mặt liên tục tại sân bay Nội Bài kể từ rạng sáng ngày 25/2 để đợi đón anh trai đi lao động tại Libya.
Do tình hình bất ổn tại nước bạn nên thông tin về chuyến bay mang số hiệu SHJ 5k241 chở lao động Việt Nam về nước trở lên nhiễu loạn. Không ai, kể cả quan chức của Bộ LĐ,TB&XH cũng như của Công ty CP nhân lực và thương mại Vinaconex (đơn vị đưa lao động Việt Nam sang Libya làm việc) biết về giờ hạ cánh chính xác. Vì thế, trong khi cánh phóng viên còn “đảo đi, đảo về” giữa sân bay và tòa soạn thì Huyền gần như liên tục có mặt tại sảnh chờ.
“Em không có xe, và cũng không thể về Nam Sách rồi lại quay lên, nên cứ đứng đây đợi anh em là Đỗ Quang Tin”- Huyền cho hay- “Trước đó, vào trưa ngày 24/2, em liên lạc với anh trai thì được biết anh ấy đang làm thủ tục để lên máy bay”. Cuối cùng thì máy bay cũng hạ cánh; thức đêm thì Huyền chịu được nhưng chỉ cần thấy bóng anh trai đang lui cui tìm hành lý trên băng chuyền phía trong phòng kính, cô bỗng bật khóc, hai mắt đỏ hoe. Huyền hạnh phúc vì anh trai mình đã trở về an toàn, nguyên vẹn.
Lao động Việt Nam tại Libya Nguyễn Bá Kiều (trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) mau mắn mượn nhờ phóng viên Báo ANTĐ điện thoại để liên lạc về nhà. Sau cuộc điện thoại, chàng thanh niên miền Trung thở phào nhẹ nhõm: “Bố mẹ em khỏe, đang mong em về ngay. Vẫn biết là người thân trong nước lo cho mình vì mình đang ở vùng đất bất ổn, song ở bên đấy em cũng luôn lo nghĩ về bố mẹ”.
Những con người may mắn được trở về sớm nhất trong số các lao động Việt Nam tại Libya. Hiện còn nhiều người Việt Nam vẫn kẹt tại đây. |
Kiều cho hay, dù rằng nước uống và nhu yếu phẩm tại Lybia hiện nay vẫn còn đảm bảo cho cộng đồng người Việt Nam. Tất cả các lao động Việt Nam đã ngừng làm việc cách nay cả tuần lễ, hầu như không dám ra khỏi trại, sinh hoạt tại chỗ và tìm mọi cách để liên lạc về cho người thân tại Việt Nam: bằng điện thoại, bằng internet… Hiện tại sân bay Tripoli đang rất đông; rất nhiều đoàn Việt Nam đang phải đợi đến ngày thứ 3-4 mà vẫn chưa đến lượt bay.
Ông Đào Công Hải- Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cho hay: Chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài rạng sáng 26/2 do đối tác sử dụng lao động Việt Nam là người Bồ Đào Nha thuê, mang số hiệu SHJ 5k241. Sức chứa toàn bộ máy bay là 350 chỗ nhưng chỉ chở riêng 176 lao động Việt Nam. Được biết đến trưa 26/2 sẽ có khoảng 400 lao động Việt Nam tiếp theo về nước (của 2 công ty cung ứng); và đến chiều tối ngày 26/2 tiếp tục có thêm 11 lao động của Công ty Lilama về đến sân bay Nội Bài và 95 lao động về sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đến giờ phút này chưa có bất cứ thông tin gì về lao động Việt Nam tại Libya bị thương, tuy nhiên khó khăn về lương thực là có, do tình hình nội bộ của đất nước này”- ông Hải cho biết thêm- “Việc đưa hết toàn bộ lao động Việt Nam về nước kết thúc vào khi nào chưa thể nói trước, nhưng sẽ cố gắng ở mức sớm nhất có thể”.
Cao Minh