Vất vả đưa trẻ trở lại trường

(ANTĐ) - Sự đảo lộn sinh hoạt trong dịp tết đã khiến trẻ khó khăn khi tới trường sau kỳ nghỉ dài. Làm sao giúp các em có ý thức tốt hơn sau dịp tết luôn là mối bận tâm chung của nhiều phụ huynh học sinh…

Vất vả đưa trẻ trở lại trường

(ANTĐ) - Sự đảo lộn sinh hoạt trong dịp tết đã khiến trẻ khó khăn khi tới trường sau kỳ nghỉ dài. Làm sao giúp các em có ý thức tốt hơn sau dịp tết luôn là mối bận tâm chung của nhiều phụ huynh học sinh…

Vừa đến trường… vừa ngủ gật!

Nhà trường nên “hâm nóng” không khí học tập bằng những sinh hoạt, trò chơi tập thể như thế này

Nhà trường nên “hâm nóng” không khí học tập bằng những sinh hoạt, trò chơi tập thể như thế này

Chị Nguyễn Phương Nga, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân than phiền: “Năm nay do các cháu được nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn so với mọi năm nên vợ chồng tôi dành khoảng thời gian cho các cháu vui chơi thỏa thích. Nhưng vừa mới đầu tuần đi học trở lại, 2 cháu nhà tôi đã tỏ rõ sự mệt mỏi và lười nhác. Mười ngày tết, đêm nào 2 con tôi cũng ngủ muộn, sáng thì dậy muộn theo bố mẹ nên thời gian biểu sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn. Sáng nay, tôi đánh thức cháu nhỏ gần 3 tuổi dậy để đi lớp cháu còn cáu gắt, khóc nhè”…

Cùng chung tâm trạng với chị Nga, anh Hoàng Thanh Hải, ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ lo lắng: “Năm nào sau tết, con tôi cũng đòi nghỉ thêm. Tôi phải dụ dỗ, thậm chí dọa nạt, cháu mới chịu bước chân khỏi giường. Hơn nữa, trong dịp tết, cháu nhận được khá nhiều tiền mừng tuổi nên vợ chồng tôi phải để mắt đến cháu liên tục. Sáng đầu tiên quay lại trường, tôi phải dựng cháu dậy mà cháu vẫn mắt nhắm, mắt mở rồi đổ gục xuống giường. Cuối cùng tôi đành phải gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm xin cho cháu nghỉ học ngay ngày đầu năm. Vợ chồng tôi phải trở lại cơ quan làm việc nên tôi phải nhờ ông bà nội đến trông cháu giúp. Ở lớp học lực cháu chỉ thuộc loại trung bình nên nghỉ tết cả chục ngày tôi rất lo cháu sẽ quên mất kiến thức…”. 

Cần có phương pháp thu hút các em trở lại trường

Ứớc tính của các trường tiểu học, có trên 5% học sinh vắng mặt sau tết bởi nhiều lý do. Theo nhiều hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh đầu năm. Cô Nguyễn Thu Huệ, một giáo viên tiểu học đã về nghỉ hưu rút ra kinh nghiệm sau hơn 30 năm giảng dạy: “Trước khi cho các em nghỉ tết, tôi thường ghi vào sổ liên lạc hay dặn dò phụ huynh học sinh nhớ đưa học sinh trở lại trường đúng ngày. Những ngày đầu trở lại trường, tôi không ép các em vào học ngay. Trong một, hai tiết đầu tiên, tôi hỏi han chuyện ăn tết của các em như: Tết đi đâu, thích ăn món gì, nhận được nhiều lì xì không, tiền mừng tuổi có gửi bố mẹ, dùng làm việc gì…? Với đề tài này, các em sẽ hào hứng trả lời, sau đó tôi từ từ hướng các em vào chuyện học, ôn lại bài”.

Một số giáo viên sợ học sinh quên bài nên trước tết đã cho nhiều bài tập để học sinh làm trong những ngày nghỉ tết. Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn sai lầm bởi khi cho bài tập, nếu trẻ không làm bài sẽ lo lắng, không muốn đến trường. Mặt khác, sau tết giáo viên không có đủ thời gian sửa bài cho học sinh vì phải mất nhiều thời gian để “kéo” trẻ vào việc học. Do đó, giáo viên nên dạy trước một, hai bài để sau tết có thêm thời gian giúp các em “khởi động” trở lại nhịp học bình thường. Bên cạnh đó, bản thân mỗi giáo viên phải làm gương bằng cách đến lớp đúng giờ, nhiệt tình trong giảng dạy để kéo học sinh đang “lơ lửng” trong không khí xuân quay lại với việc học. Cho dù trẻ có nhõng nhẽo, chưa muốn học, giáo viên cũng không nên la mắng trẻ. Mặt khác, gia đình cũng cần hỗ trợ nhà trường để có thể sớm đưa trẻ vào nền nếp…

Bảo - Linh