Vào cuộc hỗ trợ nước bạn Lào sau thảm họa vỡ đập thủy điện

ANTD.VN - Đêm 23-7, đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ. Sự cố đã gây ra thảm họa thiên tai cho toàn bộ vùng hạ du rộng lớn tại Lào. Với Việt Nam, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng có thể tăng từ 5-10cm do nước thượng nguồn đổ về.

Sự cố vỡ đập đã khiến hàng nghìn người dân tỉnh Attapeu của Lào bị mất nhà cửa hoặc cuộc sống bị đe dọa

Nước về đồng bằng sông Cửu Long có thể lên 5-10cm

Khoảng 20h ngày 23-7, công trình thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy đã bị vỡ đập phụ có tên là “Saddle dam D”, có chiều cao 16m, rộng 8m; tổng chiều dài là 770m, làm bằng đất đá hỗn hợp. Đến ngày 27-7, sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy vẫn còn “nóng” bởi hậu quả mà sự cố gây ra. Theo tính toán, hơn 6.000 người đã bị ảnh hưởng và gần 3.000 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa. Truyền thông nhà nước Lào xác nhận ít nhất 27 người chết, 131 người mất tích.

Dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy là công trình trọng điểm về phát triển thủy điện của vùng Nam Lào, nằm trên sông Xe Namnoy thuộc 2 tỉnh Champasak và Attapeu, Lào. Vị trí công trình cách dòng chính sông Mekong ở Campuchia khoảng 200km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650km.

Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành đầu năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD; có tổng dung tích 1,1 tỷ m3, công suất lắp đặt là 410MW với 3 tổ máy. Sau khi hoàn thành được 90% khối lượng xây dựng, hồ chứa Xe Pian - Xe Namnoy bắt đầu tích nước từ đầu năm 2018, với lưu lượng đến hồ trong mùa khô từ 10-15m3/s thì ước chừng hồ đã tích được khoảng 500 triệu m3 nước.

Đến ngày 27-7, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích; 15 hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn; 26 công nhân của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu để sớm về nước. Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào và tại các nước lân cận chịu ảnh hưởng (Campuchia) tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc, chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các gia đình người Việt gặp khó khăn tại địa bàn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và cơ quan chức năng trong nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Trước khi xảy ra sự cố, mực nước tại trạm Stung Treng (cách công trình 200km trên dòng chính sông Mekong ở Campuchia) đo lúc 19h ngày 23-7 là 9m (tương ứng với lưu lượng là 35.700m3); đến 7h ngày 24-7 là 9,35m, đến 7h ngày 25-7 là 9,6m (tương ứng với lưu lượng là 39.900m3). Như vậy, sau 36 tiếng, mực nước tại trạm Stung Treng tăng thêm 0,6m. Theo xu thế hiện tại, mực nước tại trạm Stung Treng tăng trung bình khoảng 20-30cm/ngày.

Như vậy, cho đến hiện nay sự tác động của sự cố hồ chứa đến mực nước trạm Stung Treng là không đáng kể. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập thủy điện, lượng nước từ thượng nguồn sẽ tác động đến dòng chảy sông Cửu Long vào cuối tuần này. Dự báo, mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 - 10cm. Theo tính toán với sự gia tăng dòng chảy trên dòng chính và các dòng nhánh, cùng với lượng nước từ sự cố hồ chứa tại Lào, mực nước tại trạm Stung Treng tiếp tục lên, đến ngày 30-7 có khả năng lên mức 10,5m.

Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31-7 năm 2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m). Do đó, theo nhận định ban đầu, sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Còn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, trong 2-3 ngày trước khi xảy ra sự cố, khu vực Nam Lào đã có mưa rất to (theo ước tính của số liệu vệ tinh 200-300mm) gây lũ lớn đến hồ Xe Pian - Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu của Lào và có thể là nguyên nhân chính gây sự cố vỡ đập.

Việt Nam vào cuộc hỗ trợ

Ngay sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy xảy ra, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả. Tối 24-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ nước bạn trong công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.

Theo đó, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng đã điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ và ô tô sang Lào để hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện. Nhân lực và phương tiện được Bộ Quốc phòng điều động thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 206 (Quân khu 5) và Binh đoàn 15. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng điều động bác sỹ quân y sang hỗ trợ người dân Lào trong vùng ngập lụt.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cũng cho biết, ngoài lực lượng đã có mặt tại Lào, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum (Quân khu 5) sẵn sàng lực lượng với 750 cán bộ, chiến sĩ cùng 26 ô tô các loại, 9 tấn lương khô, 100 nhà bạt, 6 xuồng chuyên dụng cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác đợi lệnh điều động sang Lào tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Xamnoy.  

Ngày 26-7, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2018. 

Hiện, chính quyền các cấp của Lào đang nỗ lực bố trí nơi ăn, chốn ở cho trên 3.000 người bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện. Tất cả các lực lượng Công an, Quân đội, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp đang được huy động để tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm người mất tích gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh thời tiết xuất hiện mưa trở lại, việc địa bàn bị ảnh hưởng quá rộng và mực nước vẫn ở mức cao, trong khi phương tiện di chuyển thiếu thốn cũng khiến công tác tìm kiếm hết sức khó khăn.

Trao số tiền 200.000 USD cho Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Những ngày qua, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm, theo dõi tin tức về sự cố đáng tiếc này với sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất dành cho nhân dân Lào anh em”. Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng làm những gì có thể để hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả của sự cố”.

Có thể nói, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã vào cuộc hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào một cách kịp thời, khẩn trương, nhanh nhất với tinh thần giúp bạn cũng như giúp chính mình, mong muốn đồng bào khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng vượt qua khó khăn. Trong khó khăn hoạn nạn, càng thấy sự san sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào càng thêm gắn bó keo sơn.