Vẫn “ôm” trụ sở cũ

ANTĐ - Một số Bộ, ngành đã xây dựng xong trụ sở mới và đã di dời về địa điểm mới ở khu vực Mỹ Đình, khu tây Hồ Tây như Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN)… tính ra cũng đã vài năm trời, thế nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội. 

Việc di dời trụ sở các Bộ, ngành, các cơ sở kinh tế gây ô nhiễm, các trường đại học, bệnh viện đã có chủ trương từ lâu nhằm góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực cho hạ tầng đô thị, đặc biệt là giải bài toán giao thông, đáp ứng nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, mới đây là Luật Thủ đô đã được ban hành và đi vào cuộc sống từ ngày 1-7-2013. 

Gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết tâm chỉ đạo Hà Nội phải thực hiện bằng được việc di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính Nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh... nhưng cho tới nay hầu như không đạt được hiệu quả. Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp giúp việc ùn tắc giao thông đã giảm từ gần 50% so với 5 năm trước, nhưng áp lực vẫn vô cùng lớn khi hàng loạt bệnh viện, trường học, công sở chậm di dời khỏi thành phố. Và hầu hết các Bộ, ngành sau khi đã di dời trụ sở đều vẫn “ôm”, không muốn bàn giao lại trụ sở cũ. Đó chính là một lý do cho đến nay Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng ùn tắc, cảnh quan đô thị kém sáng đẹp trong khu vực nội đô.

Nhiều Bộ như Bộ TN&MT có trụ sở mới tại lô 24D khu đô thị mới Cầu Giấy có quy mô đất rộng gấp 3,8 lần so với trụ sở cũ (1,38ha so với 0,36ha) nhưng vẫn giữ cơ sở cũ vì: “Nếu tính theo định mức diện tích phòng làm việc của cán bộ, công chức Nhà nước thì trụ sở mới này vẫn thiếu” !? Cũng lý do như vậy, Bộ KH&CN xây trụ sở mới trên quỹ đất rộng 1,8ha, cao 13 tầng tại 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). So với trụ sở cũ nhà mới có diện tích đất gấp 12 lần chỗ cũ, lại cao hơn 9 tầng. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ KH&CN, chừng đó diện tích sử dụng vẫn là chưa đủ. 

Tất nhiên, có những Bộ do đặc thù riêng, việc tiếp tục sử dụng trụ sở cũ là cần thiết nhưng không phải là tất cả. Mỗi Bộ, ngành có trụ sở khi di dời theo chủ trương của Chính phủ phải tự xây dựng dự án đầu tư, tính toán diện tích, nhân sự, thiết kế cho phù hợp với nhu cầu thực tế mình. Ngụy biện cho việc vẫn sử dụng trụ sở cũ là không chấp nhận được.

Rõ ràng là việc chủ trương di dời công sở chậm được triển khai thực hiện, không tuân thủ lộ trình bàn giao sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung, tăng áp lực cho lõi đô thị. Về việc một số Bộ sau khi chuyển tới trụ sở mới vẫn giữ trụ sở cũ, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) - ông Trần Đức Thắng cho biết, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo hướng giải quyết.

Vì vậy, dư luận mong muốn thời gian tới các Bộ, ngành cần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương di dời trụ sở và bàn giao các cơ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý, khai thác, sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích dân sinh và cộng đồng. Đó là một việc làm cần thiết góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.