Vẫn muốn "ôm" vốn Nhà nước

ANTD.VN - Tại diễn đàn “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa về kết quả cổ phần hóa trong 5 năm qua. Theo đó, quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa đi vào thực chất. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn nặng tính đối phó, chưa có sự cải cách cơ bản.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, hoạt động cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khá chậm, dù không thuộc diện Nhà nước cần chi phối vốn, song số doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 51% vốn điều lệ còn khá nhiều. Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 90% vốn điều lệ của 70 DNNN lớn, trong đó có 15 tập đoàn và tổng công ty lớn.

Thật dễ thấy, khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 95-98% vốn điều lệ, tức là doanh nghiệp này không có gì thay đổi, chẳng qua là “bình mới rượu cũ”. Cụ thể, có những doanh nghiệp tỷ lệ  cổ phần được bán cho tư nhân rất nhỏ, không có nhà đầu tư chiến lược. Có những trường hợp đối tác mua cổ phần lại chính là một số DNNN.

Như vậy vẫn chỉ là sở hữu chéo lẫn nhau, bởi trên thực tế số vốn thoái ra không đáng bao nhiêu, chỉ vỏn vẹn 2%, dẫn đến sự thay đổi về quản trị doanh nghiệp không đáng kể. Nhìn vào số lượng có thể thấy tốc độ cổ phần hóa khu vực DNNN 5 năm qua đạt tới 92% là quá ấn tượng, như Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp ví von: “Nếu đi học mà được 9 điểm là học sinh giỏi rồi”.

Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển và hiệu quả của nền kinh tế thì việc cổ phần hóa đang bị chậm hoặc thực hiện nửa vời do một số bộ vẫn muốn “ôm” vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư muốn tham gia, là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị DNNN. Nếu cứ cổ phần hóa theo lối cũ thì không thể cổ phần hóa theo mục tiêu đề ra, thậm chí không ai mua cả. Thực tế, một số nhà đầu tư muốn mua tài sản xấu nằm ở một số khoản nợ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam hay một số ngân hàng. Do đó, cách làm là phải minh bạch hóa thông tin, quy trình bán một DNNN, thậm chí phải “xé” tài sản ra bán.

Để cổ phần hóa thực sự hiệu quả, tới đây Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục DNNN nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần. Như vậy, “thực đơn” cổ phần hóa sẽ được công khai để các nhà đầu tư “chọn món”. Trước tình trạng “ôm” vốn sở hữu Nhà nước tới 60-90% sau cổ phần hóa, rõ ràng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không thể mặn mà vào cuộc được. Ở đây cần phải làm rõ trách nhiệm của bộ chủ quản và DNNN, bởi trong 5 năm qua nhiều nơi dây dưa, cổ phần hóa cho có  nhưng chưa thấy ai bị xử lý.