Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

(ANTĐ) - Liên tục trong hai đêm 5, 6-8, các lực lượng Công an Hà Nội gồm CSCĐ, CSHS, CSGT và Thanh tra Sở GTVT đã “căng” toàn lực suốt từ 19h đến 3 - 4h sáng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Trật tự ở khu vực này bước đầu đã được cải thiện, song rất có thể, kết quả này khó duy trì lâu dài.

Giải tỏa phức tạp tại chợ Long Biên:

Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

(ANTĐ) - Liên tục trong hai đêm 5, 6-8, các lực lượng Công an Hà Nội gồm CSCĐ, CSHS, CSGT và Thanh tra Sở GTVT đã “căng” toàn lực suốt từ 19h đến 3 - 4h sáng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Trật tự ở khu vực này bước đầu đã được cải thiện, song rất có thể, kết quả này khó duy trì lâu dài.

Chuyển chợ về đâu?

Câu hỏi “vì sao trật tự ở khu vực cổng chợ Long Biên không giữ được lâu?” đã được đặt ra không dưới 1 lần, và được Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Giám đốc CATP nhấn mạnh lại trong cuộc họp liên ngành ở quận Ba Đình hôm 1-8 vừa rồi. Đại diện BQL chợ Long Biên trần tình, “chúng tôi đã đi liên hệ các địa điểm có thể tiếp nhận gần 1.000 hộ kinh doanh ở chợ Long Biên, nhưng không nơi nào đáp ứng được?”. Khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, sau khi chợ Long Biên được thành phố chỉ đạo chuyển đổi công năng từ chợ đầu mối xuống chợ cấp hai - chuyên bán lẻ, nhiều ngành, lực lượng chức năng đã rất phấn khởi.

Chợ đầu mối phía Nam Đền Lừ không đủ năng lực tiếp nhận hoạt động bán buôn từ chợ Long Biên về.
Chợ đầu mối phía Nam Đền Lừ không đủ năng lực tiếp nhận hoạt động bán buôn từ chợ Long Biên về.

Nút giao thông Yên Phụ - Trần Nhật Duật sẽ không còn cảnh xe hàng tập kết, sẽ không còn cảnh ùn tắc. “Điểm đến” của những hoạt động bán buôn tại chợ Long Biên sẽ là chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai. Để đáp ứng hoạt động bán buôn từ chợ Long Biên về, chợ đầu mối Đền Lừ đã có 2 bến xe và một khuôn viên khá quy mô với 121 kiốt diện tích bình quân 40 m2/kiốt.

Nhưng, những người trong cuộc chịu trách nhiệm triển khai chủ trương này đang gặp khó khăn. Chợ đầu mối Đền Lừ trước đây do UBND quận Hai Bà Trưng xây dựng; sau đó được bàn giao cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội, khoảng tháng 2-2008, toàn bộ 121 kiốt trong chợ đã được BQL ký hợp đồng cho 121 hộ kinh doanh, mà đa số trong đó là các hộ ở chợ Long Biên. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp “xí chỗ”, bởi trong 2 năm trở lại đây, chưa một ngày các kiốt trên hoạt động. Cửa chính của 3 dãy nhà tôn đóng cửa im ỉm, nhưng doanh nghiệp tiếp nhận “bó tay” bởi hợp đồng giữa BQL chợ trước đây và các hộ đã ký có hiệu lực đến... hết năm 2012. Đáng chú ý, quyết định của UBND thành phố giao cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội tiếp nhận chợ đầu mối Đền Lừ ghi rõ, doanh nghiệp này phải giữ nguyên trạng chợ. Điều này có nghĩa, số lượng kiốt, kiến trúc của chợ không được phép thay đổi. Và tất nhiên, từng ấy diện tích không thể đáp ứng nổi gần 1.000 hộ kinh doanh từ chợ Long Biên về.

Những trở ngại

Biện pháp thứ hai có thể “dựa” để tiếp nhận một phần hoạt động của chợ Long Biên là 2 bãi xe ôtô ngay sát chợ đầu mối Đền Lừ. Và một nội dung quan trọng trong quyết định của UBND thành phố đối với đơn vị tiếp nhận  là phải giữ nguyên trạng bến xe. 2 vị trí rộng nhất, khả thi nhất đều vướng, nói gì đến việc triển khai chủ trương tiếp nhận. Thế nên động tác duy nhất mà doanh nghiệp làm được từ thời điểm tiếp nhận đến nay, là gia cố hệ thống hạ tầng cơ sở, tổ chức đội ngũ bốc xếp và hoàn thiện quy chế đảm bảo ANTT.

Ngoài ra, đơn vị tiếp nhận cũng đang thực hiện nhiệm vụ được thành phố giao: nghiên cứu, lập tổng thể quy hoạch mặt bằng, chợ, bến xe và bãi đất trống sau lưng chợ Đền Lừ với tổng diện tích gần 6 ha. Tháng 7-2008, quy hoạch chỉ giới đường đỏ đã hoàn thành và dự kiến trong tháng 8 này mới xong bản quy hoạch chi tiết trình thành phố duyệt.

Trao đổi với  ANTĐ, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội thẳng thắn: “Phải có trong tay mặt bằng chúng tôi mới dám nghĩ đến việc tiếp nhận. Nhưng điều này chắc chắn không thể xong sớm, bởi ngay cả khi quy hoạch đã có, chợ chưa chắc có ngay nếu những thủ tục hành chính không được cải thiện”.

Chủ trương điều chuyển chợ Long Biên xuống Đền Lừ xem ra chỉ là giải pháp tình thế, bởi lượng cung và cầu rõ ràng chưa tương xứng với nhau. Đó là chưa kể “nếp” của các hộ kinh doanh chợ Long Biên. Những trở ngại này chính là thách thức lớn với lực lượng chức năng: không thể đủ người, đủ sức để “căng” ra hàng đêm, trong khi, nhu cầu của thành phố về địa điểm đầu mối, tập trung buôn bán hàng nông sản là rất thực.

Hoàng Quân