VAFI "tố" 5 sai lầm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

ANTĐ - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có văn bản chỉ rõ những sai lầm của ông Vũ Huy Hoàng khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó có thể kể đến là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chậm bàn giao doanh nghiệp đã cổ phần hóa... 

Việc bổ nhiệm nhân sự Sabeco của ông Vũ Huy Hoàng bị VAFI chất vấn

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI vừa ký văn bản nêu rõ 5 sai lầm trong công tác quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp dưới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Thứ nhất, việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao.

Theo VAFI, việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco và Vinataba và khẳng định: “Thành tích quản trị doanh nghiệp của Chủ tịch Habeco, Vinataba hết sức nghèo nàn, họ không phải là những người thành công và đi lên từ Habeco, Vinataba, chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo, thử thách và có nhiều thành tích tại các vị trí đã kinh qua”.

“Chủ tịch Sabeco hầu như không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, thành tích về quản trị doanh nghiệp nhưng vẫn kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc Sabeco. Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước”, văn bản của VAFI đánh giá.

Ngoài ra, theo VAFI, thông qua chiến lược hoạt động của các “ông lớn” ngành dầu khí, điện, than cũng thấy rằng không HĐQT nào sốt sắng với định hướng cổ phần hóa cả tập đoàn.

VAFI chỉ ra rằng, suất đầu tư trong lĩnh vực điện, dầu khí, than khoáng sản là rất cao so với lĩnh vực tư nhân. Bộ máy quản lý cồng kềnh, các đơn vị trên chưa thực sự hoạt động theo mô hình tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian.

Không chỉ vậy, các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như thép, hóa chất, than khoáng sản... ở vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia. “Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên”, VAFI chỉ trích.

So sánh với những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình hay công ty tư nhân lớn, VAFI cho rằng ở đó không bao giờ xảy ra chuyện ông bố bổ nhiệm người con không có kinh nghiệm quản trị nắm giữ các chức danh chủ chốt trong công ty. Vì nếu làm như vậy thì coi là hành động tự sát của chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp đó sẽ bị tổn thất nặng nề hoặc thua lỗ phá sản.

“Bố có thương con, muốn con nối nghiệp thì họ phải đào tạo và luyện cho người con tại nhiều vị trí công việc trong doanh nghiệp. Còn nếu người con không giỏi hoặc chưa đủ tầm quản lý thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải tuyển chọn người tài để quản lý và phát triển cho cơ nghiệp của họ, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho con họ”, VAFI nhìn nhận.

Thứ hai, chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý.

VAFI chỉ ra rằng, hơn 10 năm trước, dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải quản lý, sau khi SCIC được Chính phủ thành lập, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ được nhanh chóng bàn giao về cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước.

Tuy nhiên trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì lại làm ngược lại, điển hình tiêu biểu là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.

Việc chậm trễ cổ phần hóa, chuyển giao tài sản của Bộ Công thương diễn biến rất chậm khiến tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình bộ máy quản lý của Bộ Công Thương cồng kềnh cần phải tái cơ cấu.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo VAFI,dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex, nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn… không chịu niêm yết.

Văn bản của VAFI chỉ ra rằng, Sabeco và Habeco là điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ. “Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhưng tại sao cựu Bộ trưởng không chấp hành lệnh của cấp trên, không triển khai thúc đẩy việc niêm yết  nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện hoặc như Sabeco có nói rằng họ không có quyền cho doanh nghiệp niêm yết”, văn bản VAFI thẳng thắn nêu rõ.

Thứ tư, dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống và trì trệ

VAFI so sánh, Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Hơn nữa, Bộ Công Thương là bộ nắm nhiều doanh nghiệp ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ Giao thông Vận tải do nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng lãnh đạo.

Thứ năm là việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Sabeco mang đậm tính vụ lợi và hành vi này bị nghiêm cấm theo Luật Phòng Chống tham nhũng.

VAFI cho rằng, trong thời gian ngắn ngủi ở Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, ông Vũ Quang Hải được ưu ái và được bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam(Vinataba). Việc bổ nhiệm này hoàn toàn phi lý, sai luật và cũng mang tính vụ lợi.

“Cụ thể, Luật Công chức nhà nước quy định điều kiện để làm thành viên Ban kiểm soát tại DNNN, người được bổ nhiệm phải là công chức nhà nước, tuy nhiên nói với Báo Tuổi trẻ, ông Vũ Quang Hải cho biết, khi được tuyển dụng về Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu không theo cơ chế tuyển dụng ngạch công chức nhà nước. Như vậy, có thể ở thời điểm ông Vũ Quang Hải về Cục Xúc tiến thương mại vẫn chưa phải là công chức nhà nước”, VAFI đặt vấn đề.

VAFI cũng dẫn quy định tại Điểm 1b Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2005, cụ thể là thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc TGĐ và người quản lý khác.

“Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng, là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên HĐQT thì rõ ràng việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là không đúng Luật”, VAFI khẳng định.

Ngoaài ra, VAFI cũng cho rằng, việc ông Vũ Quang Hải về Cục Xúc tiến thương mại không phải là cống hiến sức lực của tuổi trẻ mà chỉ là tạo ra một lý lịch đẹp để vào hàng ngũ lãnh đạo của Bộ Công thương và từ đó có thế mạnh về làm lãnh đạo Sabeco.

“Nếu điều chuyển thẳng ông Vũ Quang Hải từ Tổng giám đốc PVFI về Sabeco chắc là không thể thành công, cho nên hành vi điều động ông Vũ Quang Hải về Sabeco hay dưới dạng Sabeco tha thiết xin mang đậm tính chất vụ lợi. Trong khi, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi”,VAFI nhấn mạnh.