Ủy ban châu Âu đệ trình Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam

ANTD.VN - Ủy Ban châu Âu vừa thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình, biến Việt Nam thành một trung tâm vùng phục vụ cho khu vực Mekong, 

EVFTA sắp được ký kết

Hiệp định Tự do thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa hai phía.

Hiệp định này cũng có những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý  về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và đấu tranh với biến đổi khí hậu, với tham chiếu rõ ràng tới Hiệp ước Paris.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker cho rằng:  "Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam. Hiệp định có tính đếm kỹ lưỡng tới những khác biệt về kinh tế giữa hai phía".

Theo bà Cecilia Malmström- Cao ủy về thương mại của EU, Ủy ban châu Âu đã có hai hiệp định tiến bộ và rất giá trị với Việt Nam.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng là Nghị viện châu Âu và các Quốc gia thành viên EU có thể ủng hộ hai hiệp định này. Việt Nam có những tiềm năng to lớn về làm ăn cho các nhà đầu tư và xuất khẩu EU cả hiện tại và trong tương lai.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, với một thị trường sôi động có trên 95 triệu người tiêu dùng, với tầng lớp trung lưu đang gia tăng về số lượng và một lực lượng lao động trẻ và đầy năng động"- bà Cecilia Malmström nói. 

Hiệp định Tự do thương mại sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía.

Cụ thể, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được giỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm xét tới thực tế là Việt Nam là nước đang phát triển.

Hiệp định Tự do Thương mại có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ô tô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIs) cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Châu Âu tại Việt Nam, ví dụ như các GIs như là rượu vang Rioja hay pho mai Roquefort.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ đứng sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỉ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỉ euro một năm. Trong khi đầu tư của Châu Âu vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn là 8,3 tỉ euro trong năm 2016, đang ngày càng có nhiều các công ty Châu Âu được thành lập tại đây, biến Việt Nam thành một trung tâm vùng phục vụ cho khu vực Mekong.

Nhập khẩu chủ yếu của EU từ Việt Nam là các thiết bị viễn thông, hàng may mặt và sản phẩm thực phẩm. EU xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam các thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và các sản phẩm nông nghiệp.