Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020:

Ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

ANTĐ - Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2015), khai mạc sáng nay (5-12). Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 1Giai đoạn 2016-2020, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu ưu tiên
Cơ hội và thách thức đan xen

Phát biểu khai mạc VDPF 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 30 năm qua đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế. Bản chất là mở rộng dân chủ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ tính từ thời điểm sau khi ban hành Hiến pháp 2013, Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi 40 luật, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách thể chế thị trường nhằm luật hóa nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiều quả theo quy luật kinh tế thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ.

Nhận định về quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Thủ tướng cho rằng: “Năm 2015 là năm Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chuẩn bị các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là các yếu tố tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới với những cơ hội và thách thức đan xen”.
Đối phó với vấn đề năng suất lao động giảm

Thông tin tới các nhà tài trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 gặp một số khó khăn ở những năm đầu, nhưng với những hành động quyết liệt của Chính phủ, về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng đều đã được hoàn thành.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, CPI giảm mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định, giá trị niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng, lãi suất ngân hàng giảm, các mục tiêu an sinh xã hội đảm bảo, tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,88% mỗi năm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế như chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn, năng suất lao động có tăng những vẫn thấp, tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ đạt kết quả bước đầu...

Chia sẻ với các nhà tài trợ về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam vẫn sẽ là ưu tiên đảm bảo kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao hơn, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tăng tăng năng suất lao động và hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Tại diễn đàn lần này, Chính phủ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển. Những ý kiến góp ý sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát 5 năm 2016-2020 và sẽ trình Quốc hội vào tháng 3-2016”.

Từ phía các nhà tài trợ, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như những kết quả quan trọng trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua của Việt Nam. 

Bà Kwaka nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đang vấp phải một số vấn đề mà đầu tiên chính là thách thức về năng suất lao động. Theo đó, những năm gần đây Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu,nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần.

Để đối phó với tình trạng này, bà Victoria Kwakwa cho rằng, cần phải tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảo bảo nuồn lực được phân bổ cho đúng mục đích sử dụng, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.