Ưu đãi cho người lao động

(ANTĐ) - Thực hiện chế độ bảo hiểm là nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ đối với người lao động và cũng là để người lao động luôn được hưởng lợi từ công sức của mình bỏ ra.

Ưu đãi cho người lao động

(ANTĐ) - Thực hiện chế độ bảo hiểm là nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ đối với người lao động và cũng là để người lao động luôn được hưởng lợi từ công sức của mình bỏ ra.

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội phê chuẩn và thông qua ngày 29-6-2006 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI. Ngay sau đó Chính phủ cũng ban hành Nghị định 152/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động ngoài khoản lương hưu được hưởng theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần với những đối tượng đã đóng tiền bảo hiểm vượt mức quy định.

Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 4 điều 28 nghị định 152 của Chính  phủ đã quy định rõ: Người lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động không nên từ bỏ quyền lợi bảo hiểm của bản thân

Người lao động không nên từ bỏ quyền lợi bảo hiểm của bản thân

Đối với những người chưa đóng đủ thời gian theo quy định nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, là đối tượng không đủ điều kiện được hưởng lương hưu (trừ các đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm so với đủ 20 năm như quy định trở lên) cũng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong trường hợp không muốn đóng tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hay ra nước ngoài cư trú. Quy định trên đây nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi người lao động không bị thiệt thòi khi đã hết sức lao động. Tuy nhiên, nhiều người lao động hiện nay không biết tận dụng chính sách này và sau khi rời khỏi chỗ làm cũ thường muốn thanh toán ngay số tiền bảo hiểm đã đóng với ý nghĩ: Đằng nào cũng thế, lĩnh trước khỏi lĩnh sau, trong khi tiền thì cần tiêu ngay.

Trong tháng 3 vừa qua Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phải thanh toán bảo hiểm xã hội một lần cho 10.000 lao động. Thực tế đây là số tiền người lao động có thể được hưởng. Chị Nguyễn Minh Thanh - nhân viên Công ty TNHH Anh Tùng, quận Ba Đình cho biết: Tôi năm nay mới 30 tuổi, còn 25 năm nữa tôi mới đến tuổi về hưu, như vậy còn đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội nếu như tôi chuyến đến một cơ quan khác và thanh toán một lần số tiền bảo hiểm tôi đã đóng 6 năm tại cơ quan cũ. Nhà nước đã có quy định chỉ không tính thời gian thử việc, chứ đã ký hợp đồng lao động dù chỉ 3 tháng doanh nghiệp cũng phải đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Trong khi tôi lại đang cần tiền, vì vậy tôi có lý do để thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần theo quy định được hưởng. Những người như chị Thanh không phải là trường hợp cá biệt.

Theo như báo cáo trên của Bảo hiểm xã hội Hà Nội nếu tính riêng địa bàn Hà Nội đã là một con số không nhỏ, vậy nếu là cả nước số tiền để bảo hiểm xã hội phải thanh toán sẽ là bao nhiêu. Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể, người lao động đang có mức lương 3,00 thì sẽ có tổng lương hiện nay là 2.490.000 đồng, nếu đóng bảo hiểm xã hội được 6 năm và thanh toán một lần thì sẽ được số tiền là 7.470.000 đồng. 10.000 người như vậy thanh toán sẽ hết hơn 74 tỷ đồng, một số tiền không hề nhỏ.  Hơn thế, nó khiến người lao động không gắn bó với quỹ Bảo hiểm xã hội và sẽ rất thiệt thòi về sau nếu theo đúng chính sách năm nào Nhà nước cũng điều chỉnh lương. Đó là chưa kể đến lúc chuyển một cơ quan mới, bảo hiểm xã hội của người lao động không được đảm bảo, thời gian đóng bảo hiểm xã hội không được duy trì, người lao động sẽ tiếp tục bị thiệt thòi.

Hiện nay, những người làm bảo hiểm cũng đã có những chương trình kêu gọi người lao động không nên từ bỏ quyền lợi bảo hiểm của bản thân, không nên thanh toán một lần khi chuyển sang cơ quan mới, sẽ gây thiệt hại tài chính về sau, nhưng xem ra người quyết định vẫn là người lao động.

Châu Anh