Công an thời công nghệ 4.0

Bài 1: Ứng dụng "mắt thần" để giám sát trật tự giao thông, tăng tính thuyết phục khi xử lý vi phạm

ANTD.VN - Với hàng chục nghìn “mắt thần” được lắp đặt ở khắp các thành phố, tuyến đường huyết mạch trên cả nước, chỉ cần ngồi trong phòng, Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng có thể phát hiện, kiểm tra và xử lý những vi phạm của lái xe vận hành trên đường. Nhưng điều quan trọng là việc phát huy công nghệ để tăng cường tương tác phục vụ người dân tham gia giao thông an toàn hơn, yên tâm hơn, hài lòng hơn đã được CSGT triển khai như thế nào? Những chỉ đạo từ Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã được CSGT Hà Nội cụ thể ra sao?

Qua màn hình, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể bao quát tổng thể tình hình an toàn giao thông trên toàn thành phố

Soi lỗi qua camera

Trung tâm điều khiển đèn, tín hiệu giao thông của Phòng CSGT, CATP Hà Nội được xem là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điều đặc biệt nhất tại Trung tâm này là số lượng cán bộ chiến sĩ (CBCS) ít hơn rất nhiều so với những đơn vị trực tiếp chiến đấu ngoài mặt đường. Tuy nhiên, đây lại là những CBCS được tuyển lựa rất kỹ càng, có trình độ công nghệ cao, đặc biệt là khả năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Công việc của những CBCS tại đây cũng rất đặc thù so với đồng đội ở các đơn vị khác. 

Thay vì cầm gậy chỉ huy điều khiển giao thông, hàng ngày, họ ngồi trước màn hình máy vi tính điều khiển hệ thống camera xử phạt quan sát, ghi nhận những hình ảnh vi phạm của các phương tiện trên đường. Chỉ cần ngồi tại đây, CBCS của đơn vị cũng biết được tình hình giao thông hiện tại của toàn thành phố như thế nào.

Chỉ tay về màn hình lớn nhất trong Trung tâm điều khiển, Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: “Từ màn hình, CSGT dễ dàng nhận thấy những phương tiện đi trên đường vi phạm Luật Giao thông như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi sai làn, ngược chiều... Tất cả những phương tiện vi phạm này đều bị hệ thống camera ghi lại. Hệ thống máy tính tự động ghi nhận, in hình ảnh phương tiện vi phạm với đầy đủ thông tin có liên quan như địa điểm, thời gian, vị trí, lỗi, biển kiểm soát, phương tiện vi phạm...”.

“Hiệu quả từ hệ thống camera này đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của đơn vị được thể hiện qua nhiều khía cạnh, trước tiên là công tác xử phạt những lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Lâu nay, Cảnh sát giao thông được xem như là một lực lượng làm nhiệm vụ dùng sức người để phòng chống ùn tắc, tai nạn, nhất là ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, từ những hệ thống camera xử phạt này, Cảnh sát giao thông không phải mất quá nhiều thời gian, công sức mới có thể phát hiện, xử phạt được lái xe vi phạm. Số lượng vi phạm bị hệ thống camera giám sát, xử phạt này tăng từng năm”. 

Thượng tá Phạm Văn Hậu(Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)

Thời điểm mới triển khai hệ thống camera xử phạt, khi CSGT làm nhiệm vụ ở ngoài đường dừng xe kiểm tra, thông báo lỗi vi phạm, nhiều lái xe không chấp hành vì bất ngờ và không tin CSGT có thể biết được vi phạm khi không chứng kiến. Có những lái xe còn khăng khăng rằng không hề vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Chỉ khi CSGT đưa ra bằng chứng là hình ảnh, video phương tiện vi phạm được cán bộ Trung tâm chuyển qua hệ thống mạng, kết nối nội bộ, điện thoại thông minh, lúc này các lái xe mới tâm phục khẩu phục...

Không chỉ có Trung tâm chỉ huy đèn tín hiệu giao thông của Phòng CSGT, hiện CATP Hà Nội còn có Trung tâm chỉ huy CATP Hà Nội. Ngoài những chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin ANTT, tại Trung tâm chỉ huy này cũng được trang bị hệ thống màn hình hiện đại, kết nối với camera trên khắp các tuyến phố huyết mạch, khu vực trọng điểm. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo ANTT, hệ thống camera này còn hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm. 

Cùng với hệ thống camera xử phạt của Trung tâm chỉ huy đèn tín hiệu giao thông, con số hàng nghìn trường hợp xe vi phạm đã bị hệ thống camera của Trung tâm chỉ huy CATP Hà Nội gửi trực tiếp đến lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường, đã góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. 

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá: “Toàn bộ vi phạm nổi cộm trên tuyến đường vành đai 3 trên cao như xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, phương tiện đi ngược chiều... đều bị hệ thống camera, máy tính tự động ghi nhận. Tất cả những hình ảnh này được thông tin trực tiếp xuống các tổ công tác làm nhiệm vụ kịp thời dừng xe, kiểm tra, xử lý ngay. Tính đến nay, tình hình vi phạm trên tuyến đường này đã giảm tới 90% mà lực lượng CSGT làm nhiệm vụ lại khá “nhàn”.

Hiệu quả từ công nghệ

Thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, trong năm 2016, toàn lực lượng CSGT Thủ đô đã xử phạt 583.319 trường hợp vi phạm. Riêng qua hệ thống camera, lực lượng chức năng đã xử phạt 7.640 trường hợp, gửi 7.892 thông báo cho người vi phạm; phát hiện, thu giữ 5 xe ô tô đeo biển kiểm soát giả, bàn giao cho Phòng Cảnh sát Hình sự giải quyết. Đơn vị cũng trích xuất 227 lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra giải quyết TNGT bỏ chạy, phát hiện tội phạm. 

Còn trong năm 2017, số lượng vi phạm bị hệ thống camera xử phạt rất lớn, lên tới hàng chục nghìn trường hợp. Đặc biệt, số thông báo được gửi cho người vi phạm gấp đôi so với năm 2016 (15.092 trường hợp). Hàng nghìn hình ảnh cũng được trích xuất từ hệ thống camera, phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an. 

Năm 2018, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm qua hệ thống camera ở các tuyến phố nội đô, cửa ngõ ra vào thành phố, để giải quyết tình trạng ùn tắc và nhất là vi phạm xe khách, dừng đỗ, đón trả khách tại các khu vực cổng bến xe, Phòng CSGT, CATP Hà Nội còn triển khai hệ thống xử lý vi phạm ở những khu vực này qua camera. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức triển khai xử lý vi phạm qua hệ thống camera ở khu vực bến xe Giáp Bát, kịp thời phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp xe khách, xe taxi vi phạm Luật Giao thông, góp phần hạn chế và phòng ngừa ùn tắc, TNGT liên quan đến những loại hình vận tải này, nhất là trong những thời điểm dịp lễ, Tết, ngày nghỉ...

Thông tin với phóng viên, đại diện Cục CSGT cho biết: Nhận thức sâu sắc những tác dụng, hiệu quả, xu hướng và thế mạnh của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong công tác quản lý, đảm bảo TTATGT, Cục CSGT đã chỉ đạo nghiệp vụ với CSGT các địa phương, tăng cường triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học vào trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT. Việc triển khai của Cục CGST nhằm cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Chỉ thị số 01 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới”. 

Hiện Cục CSGT đã trang bị cho một số tổ tuần tra trên các tuyến cao tốc, camera gắn ở trước ngực áo. Thời gian tới, Cục CSGT sẽ trang bị camera cho toàn bộ CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường, để ghi lại hoạt động trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và phát hiện hành vi chống người thi hành công vụ. 

“Chính phủ đang tiến tới một Chính phủ điện tử, do vậy các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan phải  chuyển động theo. Đây là xu thế chung của thời đại và các nước tiên tiến đã, đang áp dụng, đem lại hiệu quả cao, giảm thiểu sức người... Lực lượng CSGT không thể đứng ngoài cuộc với xu thế hiện đại này” - đại diện Cục CSGT khẳng định.

(Còn tiếp)

 “Có thể khẳng định, với số lượng dày đặc hệ thống camera được lắp đặt trên khắp các tuyến phố, cửa ngõ ra vào Thủ đô, đã hỗ trợ đắc lực cho Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường. Không chỉ kịp thời phát hiện, xử phạt ngay những vi phạm, hệ thống camera còn có tác dụng răn đe đối với lái xe, tránh trường hợp tái phạm hoặc lỗi chồng lỗi, nguy cơ tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng”. 

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)

“Hệ thống camera giám sát giao thông còn giúp các đơn vị trong công tác quản lý, giám sát và điều hành giao thông, đặc biệt là nắm thông tin, tình hình giúp cho công tác phân luồng, điều tiết giao thông trên địa bàn, phân luồng từ xa, nhất là các cửa ngõ, địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận được nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả”. 

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh (Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)