Ùn tắc giao thông: Giảm nhưng chưa triệt để

ANTĐ - Các giải pháp đảm bảo ATGT và ùn tắc giao thông (UTGT) mà Hà Nội đã thực hiện trong 3 tháng qua bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. 


Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban các quận, huyện về đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP diễn ra sáng 27-3, nhiều đại biểu cho rằng, cần kiên quyết duy trì những giải pháp đã có, đồng thời linh hoạt xử lý những tình huống phát sinh, áp dụng nhưng không máy móc. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà  Nội chủ trì buổi làm việc.

5 triệu phương tiện đường bộ đang gây áp lực tới hạ tầng giao thông Hà Nội

Không còn đường lùi

Báo cáo kết quả thực hiện trong 3 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT nên tình trạng UTGT nghiêm trọng tại một số nút giao đã có chuyển biến. UTGT giờ cao điểm giảm từ 124 điểm thường xuyên xuống còn 74 điểm, giảm 40% số vụ ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, cũng theo ông Khôi, tình trạng UTGT dù đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao: “Cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập. Hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu, nhiều cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng điểm, bãi đỗ xe”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP nêu ý kiến, mất trật tự ATGT hiện nay trên địa bàn TP đã được cảnh báo từ 10 năm trước, tại NQ 34/2003 của HĐND TP đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để đảm bảo trật tự ATGT, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhưng lại không được quan tâm nghiêm túc. Ông Hoạt lấy ví dụ, như quy định về 32 điểm đỗ xe tĩnh, nhưng tất cả đến nay hoặc vẫn còn nằm trên giấy hoặc đã biến tướng thành các trung tâm thương mại… “Mười năm trước chúng ta đã tư duy, định hướng đúng nhưng thực hiện lại không đúng chủ trương, thành thử bây giờ mới lúng túng. Bức xúc về giao thông của hiện tại đã khác 10 năm trước, bởi vậy, những việc khó chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua, nếu không sẽ không bao giờ làm được, lúc này không thể lùi được nữa”, ông Hoạt nhìn nhận.

Sẽ hạn chế nhập cư vùng trung tâm

Trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thì lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn TP tăng mạnh qua các năm, cùng với ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn kém. Ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thì việc tăng xử lý vi phạm được xem là một trong những biện pháp cứng rắn, hữu hiệu để lập lại kỷ cương trong ATGT. “Để lập lại kỷ cương ATGT, chúng ta không ngại thay đổi, không ngại áp dụng nhiều biện pháp mới, tuy nhiên, khi thực hiện cũng phải linh động, không nên áp dụng quá máy móc, cứng nhắc. Không ngại làm nhưng cũng không ngại điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp”. 

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có đến 7,1 triệu người cư trú thường xuyên, gần 5 triệu phương tiện đường bộ, nếu không quản lý tốt sẽ rất phức tạp. Đồng chí Phạm  Quang Nghị nhận xét: “Xe buýt trên địa bàn TP đã không thể phát triển thêm, nếu như không giảm đi một lượng xe ô tô cá nhân tương ứng. Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm… Quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội”.

Theo Bí thư Thành ủy, những biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua dù đã giảm UTGT và TNGT nhưng không triệt để, chưa đưa ra được giải pháp căn bản: “Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước, đón đầu, mở đường cho kinh tế xã hội phát triển. Nhưng, chúng ta không những không đi trước mà còn là nút thắt kìm hãm phát triển”. Do đó, những giải pháp trong thời gian tới cần mang tính đồng bộ để đạt được mục tiêu giảm UTGT và TNGT. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao, cần nhanh chóng đưa các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố. Đồng thời, nghiên cứu việc hạn chế nhập cư, giãn dân cư sinh sống trong nội đô. Song, đây là vấn đề lớn, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và Trung ương.

Kiểm soát thu phí ra vào nội đô là bài toán khó

“Đề xuất của Bộ GTVT về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí ra vào nội đô giờ cao điểm cũng là mong muốn của TP Hà Nội để giảm thiểu phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô ra vào trung tâm TP giờ cao điểm. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết thành phố đã có ý tưởng xung quanh việc thu phí ra vào nội đô giờ cao điểm, ví dụ như thu lũy tiến theo số giờ vào nội đô, một giờ sẽ phải đóng bao nhiêu, 2 giờ sẽ phải đóng tăng lên bao nhiêu. Như vậy, để người dân tính toán giờ ra vào trung tâm, để giãn mật độ phương tiện. Tuy nhiên, để xây dựng một phương án tổ chức kiểm soát thu phí là bài toán khó, vì đô thị chúng ta nhiều ngõ ngách, phố nhỏ. Do đó, phải tính toán xem sẽ kiểm soát bằng cổng ra vào, hay thu qua vé… thì mới giải quyết được vấn đề”.