Tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016: Giải pháp mạnh loại bỏ tiêu cực

ANTĐ - Trước áp lực về tuyển sinh đầu cấp, năm nay, Hà Nội áp dụng hàng loạt các quy định nhằm loại bỏ các tác động tiêu cực như xếp hàng chờ nộp đơn vào trường mầm non hay ôn luyện thi để thi vào lớp 6 trường chất lượng cao…

Tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016: Giải pháp mạnh loại bỏ tiêu cực ảnh 1Hà Nội sẽ đẩy mạnh mô hình trường học chất lượng cao

Cắt thi đua nếu khảo sát đầu vào

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2015 - 2016, tổng số học sinh tăng hơn 20.000 em so với năm học trước. Trong đó, số học sinh vào lớp 1 khoảng 135.000 em, lớp 6 trên 100.000 học sinh. Dù chỉ có 9 trường THCS có nhu cầu đăng ký tuyển sinh lớn hơn chỉ tiêu được giao trên toàn thành phố, nhưng áp lực vào những trường này ảnh hưởng lớn đến đông đảo học sinh, phụ huynh.

Triệt để thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT không thi tuyển lớp 6, Hà Nội đã gặp phải không ít khó khăn. Công tác này vẫn cần phải được nghiên cứu và đổi mới trong năm học này bởi PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh lo ngại sẽ có cuộc “chạy đua” điểm số cũng như ồ ạt tham gia các cuộc thi lấy thành tích ở bậc tiểu học để được vào những trường như Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh…

Đặc biệt, bước vào đầu năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục và trường THCS không tổ chức thi, làm bài sát hạch để chọn học sinh xếp lớp vào đầu năm học.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Dù với mục đích gì cũng không được khảo sát, thi hay kiểm tra, đánh giá học sinh vào lớp 6. Hiệu trưởng mà cố lách luật đều là sai. Đây không phải là quy định mới, nhưng được đặc biệt lưu ý trong năm học này. Nếu trường nào vi phạm quy định về phân lớp, Phòng Giáo dục trung học sẽ đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT cắt danh hiệu thi đua”.

Đồng thời, Sở cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc không tổ chức trường chuyên ở THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Sở GD-ĐT khuyến khích phụ huynh phát hiện việc ôn luyện, tổ chức thi, kiểm tra, sát hạch dưới mọi hình thức để xếp lớp, tuyển chọn học sinh vào các lớp chuyên và thông tin tới các phòng GD-ĐT để có biện pháp xử lý.

Thay đổi về chất trong trường học

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học mới, Hà Nội tăng cường phát triển trường chất lượng cao, mở rộng mô hình trường học mới (VNEN). Hiện nay, Hà Nội đã có 6 trường được công nhận là trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao và 11 trường đang thí điểm mô hình này ở tất cả các bậc học từ mầm non đến THPT, TCCN. 

Hà Nội đã được công nhận đi đầu trong việc thực hiện mô hình trường chất lượng cao, nhất là tính công khai, minh bạch.

Bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng trường Tiểu học chất lượng cao Đô thị Sài Đồng, quận Long Biên cho biết, trường đã công khai mức học phí là 2,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Với các mức phí đi kèm như tiền ăn bán trú, phí trông bán trú, tiền học câu lạc bộ… thì mỗi tháng, học sinh học trường này sẽ mất khoảng 3,5 triệu đồng. Mức phí này chênh lệch lớn so với học sinh trường công lập, chỉ mất khoảng 1 triệu đồng/tháng nhưng rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con vào trường.

 “Mức phí này vẫn thấp hơn nhiều so với một số trường ngoài công lập có tiếng. Tôi tin con em mình học ở đây sẽ được hưởng môi trường giáo dục hiện đại, chất lượng ổn định hơn so với trường ngoài công lập” – chị Vũ Hồng Hạnh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng chia sẻ. Có thể thấy, việc đa dạng hóa các mô hình trường học đang là hướng đi đúng, đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục của Hà Nội.

Việc thay đổi cách đánh giá dạy và học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra như một yêu cầu với ngành giáo dục Hà Nội trong năm học này. “Quan điểm là lấy sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh làm mục tiêu. Đó sẽ là thước đó đánh giá chứ không lấy sổ công tác, sổ nhật ký của giáo viên để đánh giá. Cần bỏ đi tất cả những công cụ chúng ta đã dùng để trực tiếp kiểm tra các nhà trường, các thầy cô giáo, thay bằng công cụ khác” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.