Kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (20-10-1914/20-10-2014)

Tuyên ngôn về con đường của thanh niên

ANTĐ - Thời còn ngồi trên ghế phổ thông, cánh học sinh chúng tôi rất mê câu thơ của Chế Lan Viên viết về người anh hùng trẻ tuổi, liệt sĩ Lý Tự Trọng những ngày anh bị giam cầm, bị tra tấn dã man trong nhà tù của thực dân Pháp: “Tôi hiểu sao trong xà lim án chém/ Lý Tự Trọng trưa nào còn đọc trang Kiều/ Đảng dạy ta không thể đưa lòng đi theo Đảng/ Lại xa những gì dân tộc thương yêu“.

Tuyên ngôn về con đường của thanh niên ảnh 1Dâng hương tại tượng đài Lý Tự Trọng ở đường Thanh Niên, Hà Nội

Ít ai biết rằng, chính vợ tên chủ khám Chí Hòa khi vào thăm anh trong ngục thất đã tặng anh cuốn “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Trong những ngày bị giam cầm, anh đọc cho mình nghe, cho bạn tù nghe và cả bọn cai ngục cùng nghe. Không ngờ tư tưởng nhân văn mà Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm bất hủ, cùng với tư thế “uy vũ bất năng khuất” của người cộng sản, cách sống lạc quan, yêu đời, yêu người của Lý Tự Trọng đã cảm hóa được bọn “anh chị“ và bọn người chỉ quen đánh thuê, giết thuê giam cùng khám phải nể sợ, cung kính gọi anh là “Ông Nhỏ”. 

 “Ông Nhỏ” Lý Tự Trọng, tên thật là Lê Văn Trọng (cũng được gọi là Huy), quê gốc tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình anh phiêu dạt sang đất Thái Lan sinh sống nên anh sinh ra tại làng Bảy Mạy, tỉnh Na Khon (Thái Lan) vào sáng 20-10-1914.

Hai cụ thân sinh ra Lê Văn Trọng là cụ Lê Hữu Đạt và cụ Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều yêu nước, hơn nữa họ còn là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Dòng họ Lê Hữu đến đời con cháu sau này, không hiểu vì lý do gì, đều đổi thành Lê Văn. Hai cụ Đạt và Sờm lấy nhau mãi 7 năm sau mới sinh con trai đầu lòng Lê Văn Trọng. Vì kiêng kỵ, sợ bị “ma bắt“ mất con, nên các cụ đặt cho con tên cúng cơm xấu xí là Dái Khoán. Nhưng sau khi Cả Trọng ra đời, được ông trời phù hộ, “ở hiền, gặp lành”, cụ bà sinh tiếp hai năm một, lần lượt 4 trai và hai cô út Lê Thị Sáu, Lê Thị Bẩy ra đời. Hiện còn cụ Bẩy tuy đã ngoài 80 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn trông nom nhà thờ Lý Tự Trọng trên nền đất tổ tiên dòng họ Lê Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuổi thơ của Lê Văn Trọng gắn liền với làng Bản Mạy, tỉnh Na Khon. Năm 1923, cảnh sát chính quyền Thái Lan và bọn mật vụ Pháp cấu kết với nhau ập vào ngôi trường Bản Đông do nhà yêu nước Việt Nam, chí sĩ Đặng Thúc Hứa sáng lập để dạy học cho con em bà con Việt Kiều. Anh em Lê Văn Trọng, Lê Văn Đại, Lê Văn Tăng, đều học ở trường này. Thầy Hứa bị bọn Pháp di lý về Việt Nam. Ngôi trường đóng cửa. May mắn sau đó, Lê Văn Trọng gặp thầy Thầu Chín (tên khác của Bác Hồ) đang hoạt động bí mật trong giới Việt Kiều tại đây, được trực tiếp lựa chọn đưa sang Trung Quốc học tập. Và chính  Bác đặt cho Lê Văn Trọng một tên mới đầy ý nghĩa: Lý Tự Trọng. 

Năm 1923, mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng đã hoạt động trong Hội thanh niên Cách mạng đồng chí. Sau khi dự các khóa huấn luyện do Bác Hồ trực tiếp giảng bài, năm 1929 Lý Tự Trọng được cử về nước với nhiệm vụ thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho xứ ủy Nam Kỳ với Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày 9-2-1931, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức mít tinh lớn kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tại quảng trường Lareni. Lý Tự Trong được phân công bảo vệ diễn giả Phan Bôi đăng đàn diễn thuyết trước cử tọa đông đến 1 vạn người. Khi diễn giả đang hùng hồn giới thiệu diễn biến cuộc khởi nghĩa và chân dung người lãnh đạo Nguyễn Thái Học, Lý Tự Trọng phát hiện tên mật thám ác ôn LeGrand dẫn bọn “chó săn” tiếp cận cuộc mít tinh. Trong tình thế nguy hiểm ấy, Lý Tự Trọng chỉ có một suy nghĩ: “Phải bảo vệ bằng được cán bộ của Đảng”. Anh hướng khẩu súng lục về phía tên mật thám Pháp bóp cò, viên đạn găm đúng tim, tên LeGrand gục chết tại chỗ. Bọn đi theo quay ra đuổi bắt Lý Tự Trọng, diễn giả có điều kiện lẩn vào dòng người đông đúc chạy thoát. 

Vì hành động đó, Lý Tự Trọng bị bắt giam vào khám lớn Chí Hòa và bị tòa án thực dân kết án tử hình ngày 20-11-1931, khi mới bước sang tuổi 17. Tại trường bắn, anh dõng dạc tuyên bố: “Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng đủ trí khôn để hiểu rằng: Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng, nếu các ông suy nghĩ kỹ, thì các ông cũng thấy, cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”. Nhà báo Pháp Angdora Violit, sau đó tường thuật một bài phóng sự dài, có đoạn: “Trước máy chém, Lý Tự Trọng còn muốn nói thêm nữa, nhưng 2 tên sen đầm nhảy xô đến, không cho anh nói. Người ta chỉ nghe tiếng anh hô: Việt Nam! Việt Nam… và hát lên bài Quốc tế ca“.

Ngày nay giữa thành phố mang tên Bác, đường Lý Tự Trọng chạy qua nơi anh hạ gục viên mật thám thực dân. Anh vẫn còn đó mãi mãi tuổi 17, với tâm hồn trong sáng, yêu đời và câu nói bất hủ như ngọn đuốc soi đường cho lớp lớp thanh niên.

Phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia

Phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng tại xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vừa được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng vào ngày 20-10-2011. diện tích 5,16ha, gồm: Khu mộ và đài tưởng niệm, nhà thờ, nhà văn hóa-truyền thống... với tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng. Đây được xem như hạng mục văn hóa mang tầm vóc quốc gia, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhiều thế hệ trẻ, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của thanh thiếu niên Hà Tĩnh và cả nước. Phần mộ anh hùng, liệt sỹ Lý Tự Trọng là một trong những hạng mục nằm trong khuôn viên của khu tưởng niệm có diện tích hơn 200m2, phía trên phần mộ khắc câu nói nổi tiếng của Lý Tự Trọng trước lúc bị thực dân Pháp xử bắn tại Sài Gòn: “...Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng…”.