"Tuyên chiến" với nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện

ANTĐ - Chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện nay dù đã có cải thiện song vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi bệnh nhân và người dân, đòi hỏi ngành y tế, bản thân mỗi bệnh viện phải có một cuộc “tuyên chiến” thực sự mới có thể khắc phục được.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo thực trạng nhà vệ sinh tại bệnh viện và một số biện pháp khử mùi tại nhà vệ sinh bệnh viện, do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT) phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế đã tổ chức sáng nay, 13-7.

"Tuyên chiến" với nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện ảnh 1Nhiều nhà vệ sinh bệnh viện vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bệnh nhân và

người nhà

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế nhấn mạnh, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện nước ta hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Sự xuống cấp của nhà vệ sinh bệnh viện không những gây khó chịu cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh chung của mỗi bệnh viện.

Qua khảo sát nhanh của Viện SKNN&MT tại khu phòng khám của 13 bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, chỉ 6/13 bệnh viện đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân. Đấy là chưa kể trên thực tế có tình trạng rất nhiều cơ sở y tế tuy có nhà vệ sinh nhưng thường xuyên khóa cửa không cho bệnh nhân sử dụng, chiếm tới trên 50%. Ở các khoa khám bệnh, nơi có lượt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào mỗi ngày rất lớn vẫn còn rất nhiều bệnh viện chưa xây dựng nhà vệ sinh riêng.

Tình hình càng tồi tệ hơn với các bệnh viện tuyến huyện khi qua khảo sát không có bệnh nào đáp ứng được đủ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên và bệnh nhân. Đặc biệt, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện vẫn là nỗi ám ảnh với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mỗi khi phải nằm viện. Khảo sát của Viện SKNN&MT cho thấy, mùi hôi tại các nhà vệ sinh là vấn đề rất phổ biến, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trung ương tỷ lệ nhà vệ sinh có mùi hôi chiếm tới 83%.

Ngoài ra, có tới 9/13 bệnh viện tuyến trung ương được khảo sát tồn tại các nhà vệ sinh bị ẩm ướt, đọng nước, trơn trượt. Ở khu vệ sinh của bệnh nhân vẫn xảy ra nhiều tình trạng đi vệ sinh không dội nước, vứt rác bừa bãi không cho vào sọt rác, tắc, hỏng cần gạt nước của hố tiêu, hệ thống thông gió, hút mùi không có, tường nhà vệ sinh ẩm mốc, tróc lở… khiến người bệnh rất engại.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện SKNN&MT cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến nỗi ám ảnh ở các nhà vệ sinh bệnh viện là tình trạng quá tải bệnh nhân trong khi nguồn lực của các bệnh viện có hạn, cùng đó là sự quản lý yếu kém trong công tác vệ sinh bệnh viện. “Trong thiết kế các bệnh viện nói chung, thiết kế nhà vệ sinh bệnh viện nói riêng hầu như chưa có bệnh viện nào tính đến công năng sử dụng khi quá tải bệnh nhân, do đó khi quá tải thì không thể khắc phục được, việc đưa ra giải pháp giải quyết rất khó khăn” – ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì việc cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện phải được đưa lên hàng đầu. Cũng vì thế, tại dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường đang được Bộ Y tế xây dựng (do Cục Quản lý môi trường y tế cùng Viện SKNN&MT chủ trì soạn thảo) để chấm điểm các bệnh viện trên toàn quốc, trong 65 tiêu chí thì có tới 15 tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện.

Chẳng hạn, Bộ tiêu chí yêu cầu các bệnh viện phải bố trí mỗi khoa/ phòng có khu vệ sinh riêng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; có ít nhất 1 khu vệ sinh cho 30 giường bệnh; Khoa Khám bệnh của các bệnh viện phải có ít nhất 1 khu vệ sinh/ 200 lượt khám; nhà vệ sinh bệnh viện luôn mở cửa cho người bệnh sử dụng; phòng vệ sinh bệnh viện không có mùi hôi thối, không có ruồi, nhặng, côn trùng; phòng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh, khô ráo, sạch sẽ…

Đại diện Viện SKNN&MT cũng như một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đề xuất, để nhà vệ sinh tại các cơ sở y tế không còn là nỗi ám ảnh với người bệnh, bên cạnh việc ngành y tế, các bệnh viện chủ động cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện thì cần có thêm các giải pháp “chữa cháy” khác như thuê, đặt các nhà vệ sinh di động vào thời điểm cao điểm khám chữa bệnh; áp dụng các biện pháp khử mùi nhà vệ sinh bằng chế phẩm khử mùi thân thiện với môi trường; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện.

Là người nhiều năm trực tiếp gắn bó với công tác này, ThS. BS Nguyễn Thanh Khương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Hữu nghị cho rằng, để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện góp phần làm cho bệnh viện xanh, sạch, đẹp cần có một sự ra tay đồng bộ của toàn ngành y tế, đặc biệt là quyết sách của lãnh đạo các bệnh viện, đồng thời tuyên truyền và vận động người bệnh, người nhà bệnh nhân nâng cao ý thức. Công việc này phải được duy trì thành nề nếp và được giám sát một cách chặt chẽ, thường xuyên, liên tục.