Tuyên bố APPF Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của duy trì tự do, an ninh hàng hải

ANTD.VN -Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) tại Hà Nội đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030. Thành công lớn nhất và là dấu ấn của APPF -26 là Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. 

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành bốn phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành, các phiên họp Ủy ban Soạn thảo, các nhóm công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới. Hội nghị đã thông qua 14 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF; Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội với sự đồng thuận cao của các đại biểu…

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên bế mạc

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” ” với sự thống nhất cao của các đại biểu nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực với sự khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Tuyên bố cam kết tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố APPF trước đây, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế, chính trị, văn hóa, tôn giáo; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tuyên bố cũng đánh giá về một thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và thống nhất APPF đang ở thời điểm cần có cải cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đối thoại của các thành viên trong khu vực và tăng cường đóng góp của APPF vào các lĩnh vực đa phương khu vực và quốc tế.

Thành công lớn nhất và là dấu ấn của APPF -26 là Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương

Tuyên bố nêu rõ: “Khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, an ninh an toàn hàng hải, hàng không; kêu gọi các quốc gia giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, các thỏa thuận liên quan, bao gồm Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS)”

Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí sửa đổi Quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF. Đây là thành công và nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên trên cơ sở sáng kiến của Nhật Bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, bên cạnh việc ra Tuyên bố Hà Nội, điều quan trọng là các nước thành viên sẽ triển khai các nội dung của Tuyên bố, nỗ lực biến lời nói thành hành động. Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm nội luật hóa các cam kết quốc tế; đồng thời thực hiện đúng tinh thần, nội dung của các Nghị quyết và Tuyên bố Hà Nội đã đạt được, thể hiện tinh thần tích cực trách nhiệm của quốc gia thành viên…