Tương tác bằng zalo, mã code, Cảnh sát khu vực càng gần dân hơn

ANTD.VN - Sử dụng điện thoại thông minh để hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính, và kết nối chặt hơn nữa người dân với lực lượng cảnh sát khu vực; chủ trương đó của Bộ Công an đang được nhiều đơn vị của Công an thành phố Hà Nội triển khai với mục tiêu chính: Đem lại sự thuận tiện cho người dân.

Tương tác bằng zalo, mã code, Cảnh sát khu vực càng gần dân hơn ảnh 1Hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh để tương tác với lực lượng công an

Từ đầu tháng 4-2019, thay vì đến trụ sở Công an phường, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân sẽ có thể trao đổi trực tiếp với Cảnh sát khu vực ở bất cứ thời gian, địa điểm nào. Hình thức tương tác thú vị này đang được triển khai tại Công an quận Hoàng Mai và Long Biên, Hà Nội. 

Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Đầu tháng 4-2019, Công an quận Long Biên triển khai phương án Cảnh sát khu vực ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và làm cầu nối tương tác với người dân, trong đó thí điểm tại phường Long Biên. Ngay lập tức, Phương án đã nhận được những hồi âm tích cực. 

Hiểu một cách đơn giản, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động, người dân có thể tra cứu các thủ tục hành chính thuận tiện hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, giảm thiểu việc đi lại. “CAQ Long Biên đã mã hóa các đường dẫn thủ tục hành chính của Công an Hà Nội và danh bạ điện thoại của Chỉ huy Công an phường, Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn.

Các mã này được niêm yết tại các điểm công cộng, nơi nhiều người đi lại, các cơ quan, doanh nghiệp để người dân tra cứu, khai thác các thủ tục hành chính. Đồng thời, Cảnh sát khu vực đến tận nhà dân, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng. Để đáp ứng được yêu cầu công tác, Công an quận đã trang cấp cho 9 đồng chí Cảnh sát khu vực và chỉ huy Công an phường Long Biên điện thoại thông minh đã cài đặt các phần mềm”, Trung tá Tô Anh Dũng, Trưởng Công an quận Long Biên chia sẻ.

Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình tương tác mới này, Công an phường Long Biên đã bắt tay vào triển khai phương án với tâm thế hồ hởi, phấn khởi. Hơn 5.000 bản hướng dẫn kèm mã code đã và đang được cán bộ Cảnh sát khu vực niêm yết tại các tổ dân phố và phát tận tay người dân, các chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhà trọ....

“Trước đây, khi có việc đột xuất cần gặp Cảnh sát khu vực, thường chúng tôi phải đi lại ít nhất một lần. Song khi Công an phường áp dụng công nghệ thông tin, những “cuộc gặp” đã giản tiện rất nhiều. Chúng tôi vừa có thể trao đổi trực tiếp với Cảnh sát khu vực, mà không mất thời gian đi lại. Chỉ cần quét mã code mà Công an phường cung cấp là sẽ tra cứu được nhiều thông tin về các thủ tục hành chính”, ông Đinh Văn Tòng (70 tuổi, trú ở tổ dân phố số 6, phường Long Biên) vui vẻ bày tỏ và chia sẻ: “Thao tác của tôi khá chậm, nhưng các anh Công an vẫn rất tận tình hướng dẫn nên tôi thấy không có gì khó khăn. Tôi rất ủng hộ cách làm này của Công an Hà Nội”. 

“Những ngày đầu triển khai phương án, công việc của Cảnh sát khu vực tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng anh em không hề thấy mệt. Bởi lẽ, mỗi cán bộ chiến sỹ đều ý thức được rằng đây là một cách làm hay và khi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu thì sẽ dễ dàng, thuận lợi cho cả người dân và chính lực lượng Công an cơ sở trong công tác quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính”, Đại úy Lê Đức Huy, cán bộ Cảnh sát khu vực CAP Long Biên cho biết.

Giải pháp hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm

Tại Công an phường Mai Động, đơn vị được Công an quận Hoàng Mai chọn triển khai thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều tín hiệu tích cực cũng đã được ghi nhận. 

Theo Chỉ huy Công an phường Mai Động, các bước triển khai của đơn vị bao gồm: Đầu tiên là điều tra cơ bản, tập hợp số điện thoại của người dân sinh sống tại 12 tòa nhà trong khu đô thị Times City Park Hill. Qua các buổi tiếp xúc với người dân, Cảnh sát khu vực tuyên truyền về chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, để người dân hiểu và phối hợp thực hiện.

Tiếp đó, Cảnh sát khu vực phụ trách cơ sở kết nối với người dân tại các tổ dân phố thành nhóm trên mạng xã hội Zalo hoặc Facbook. “Khi có thông báo mới, cán bộ phụ trách khu vực sẽ đăng tải lên nhóm để người dân cùng nắm bắt. Đồng thời, nếu có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, hay những băn khoăn thắc mắc về thủ tục hành chính, người dân có thể gửi thông tin lên nhóm để cán bộ Cảnh sát khu vực kịp thời nắm bắt, xử lý. “Một tác dụng tích cực là thông qua “nhóm”, người dân có thể cập nhật thông tin mới để phòng ngừa các loại tội phạm, cũng như tố giác tội phạm”, Trung tá Lê Minh Thanh, Trưởng Công an phường Mai Động nhìn nhận.

Ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác với người dân còn giúp Công an cơ sở thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố; nắm bắt thông tin dân cư được nhanh chóng và đảm bảo độ chính xác cao. Cùng với đó, người dân sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, bằng việc phát hiện, phản ánh các di biến động, biểu hiện hoạt động tội phạm. 

“Hình thức kết nối người dân và lực lượng Công an thông qua mạng xã hội là một cách làm sáng tạo, phù hợp xu thế hiện nay. Tôi rất ủng hộ chủ trương này của lực lượng Công an, bởi nó giúp người dân và lực lượng Công an gần gũi, gắn bó hơn”, ông Nguyễn Văn Nhân, tổ trưởng tổ dân phố 58, phường Mai Động nhận định.

Khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình triển khai thí điểm; song với những đơn vị tiên phong, họ đã xác định rõ điều đó và quyết tâm vượt qua, để đạt được mục tiêu cao nhất: vì nhân dân phục vụ.

Đòi hỏi tất yếu

“Công nghệ thông tin đang hiện hữu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bắt kịp và ứng dụng những mặt tích cực sự phát triển của lĩnh vực này vừa là mục tiêu, cũng là đòi hỏi tất yếu để lực lượng Công an làm tốt hơn nữa công tác quản lý xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Quyết tâm thực hiện và nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, đó là mục tiêu Công an quận Hoàng Mai đề ra, song bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo tính bí mật theo quy định của ngành Công an”. 

Đại tá Nguyễn Đình Chiến (Trưởng Công an quận Hoàng Mai)

Khả năng tương tác chủ động và thường xuyên hơn

“Đặc điểm ở địa bàn nhiều chung cư cao tầng như quận Long Biên, đó là nhiều cư dân hoặc đi làm giờ giấc không theo quy luật,  thậm chí có cả những tâm lý... ngại gặp Cảnh sát khu vực, ngay cả khi có việc cần giải quyết, trao đổi. Bằng ứng dụng công nghệ qua điện thoại thông minh, Cảnh sát khu vực và người dân sẽ giảm được số lần đi lại, trong khi khả năng tương tác, trao đổi, cập nhật thông tin sẽ chủ động và thường xuyên hơn. Những ưu điểm, tiện lợi ấy chính là động lực để chúng tôi sẵn sàng đối mặt và giải quyết mọi khó khăn trong giai đoạn triển khai thí điểm, tiến tới nhân rộng 14 phường trên địa bàn”.

Trung tá Tô Anh Dũng  (Trưởng Công an quận Long Biên)