Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2016):

Tuổi thanh xuân tự hào của người con gái làng Võng Thị

ANTD.VN - Những năm gần đây, bà Lê Phương (tức Nguyễn Thị Sâm), nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn - Bộ Công an rời phố Trần Bình Trọng về quê hương Võng Thị (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Chính từ mảnh đất mà mẹ cha đã nuôi giấu cán bộ này, bà đã giác ngộ và đi theo ngọn cờ cứu nước của Việt Minh. Bà tự hào đã từng tham gia kháng chiến ở mặt trận Hà Nội 70 năm trước và mùa thu 2016, vinh dự đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 

Tuổi thanh xuân tự hào của người con gái làng Võng Thị ảnh 1Bà Lê Phương (bên phải) tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc năm 1950

Từ làng Võng Thị đến với cách mạng

Khoảng năm 1943-1944, phong trào Việt Minh từ làng Nghĩa Đô lan sang làng Võng Thị. Bà Lê Phương được ông Nguyễn Đức Hội, con người bác ruột ở Nghĩa Đô tuyên truyền, nên đã tham gia Việt Minh. Từ đầu năm 1945, ngôi nhà của cha mẹ bà ở Võng Thị không chỉ là địa điểm an toàn cho cán bộ hoạt động vùng Bưởi - Nghĩa Đô như ông Thôi Hữu - Thành ủy viên đến họp với cán bộ ngoại thành mà còn là nơi cất giấu truyền đơn, tài liệu của Ban Công vận Xứ ủy.

Đầu tháng 8-1945, Mặt trận Việt Minh vùng Bưởi được thành lập, quyết định gấp rút chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở địa phương. Lực lượng tự vệ, vũ khí (giáo và mác là chính), cờ đỏ sao vàng… đều phải sẵn sàng. Ngày 17 và 18-8-1945, máy may ở các nhà trong làng Võng Thị chạy suốt ngày đêm để may cờ khởi nghĩa.

Ngày cách mạng sục sôi, bà Lê Phương cùng đội quân phụ nữ vùng Bưởi, quần đen, áo nâu, từ chợ Bưởi tiến vào nội thành, hòa vào biển người đang vùng lên  giành quyền sống trong độc lập, tự do. Sau khởi nghĩa, bà tham gia công tác phụ nữ ở vùng Bưởi - Võng Thị, tuyên truyền và vận động chị em tích cực thực hiện phong trào chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tăng gia sản xuất, chống nạn mù chữ, thực hiện đời sống mới trong tang lễ, cưới xin, đồng thời quyên góp tiền, vàng ủng hộ Chính phủ. Sau đó, bà được chỉ định làm Bí thư phụ nữ cứu quốc khu Đại La. Ngày 16-6-1946, bà được kết nạp Đảng đúng vào sinh nhật tuổi 18. Đó là kỷ niệm thiêng liêng khi được đứng dưới lá cờ Đảng bà không bao giờ quên.

Những ngày chiến đấu sục sôi

Trong kế hoạch tác chiến của Mặt trận Hà Nội, vùng Bưởi - Võng Thị là hậu phương trực tiếp ở phía Bắc thành phố. Từ tháng 11-1946, nhận lệnh trên giao, bà Lê Phương đã tích cực tuyên truyền nhân dân đi tản cư, thanh niên, phụ nữ trẻ, khỏe thì vào các đội cứu thương, tiếp tế, chuẩn bị kháng chiến. Tự vệ, nam nữ thanh niên được huy động đi đào hào, đắp ụ ở đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám. Bà kể lại: “Tiểu khu Bưởi, Thụy Khuê được Ủy ban bảo vệ khu Đại La chú trọng và sâu sát hơn cả vì đây là địa bàn phải chạm trán với quân Pháp sớm hơn các nơi khác. Chiều 19-12, tôi còn đi xuống Thụy Khuê họp với tổ phụ nữ, phổ biến cho lực lượng tiếp tế, cứu thương phải sẵn sàng phục vụ các chiến sĩ. Xong mọi việc, tôi về đến nhà đã 10h đêm”. 

Thời điểm ấy, lửa chiến đấu đỏ rực ở khu trung tâm nội thành với các điểm quyết chiến ở Bắc bộ phủ, Cửa Nam, Đồn công an Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm), Nhà hát Lớn… Ngay đêm đó, gia đình đi tản cư, còn bà Lê Phương khoác ba lô đến tập trung  cùng cán bộ khu Đại La đi kháng chiến.

Từ sáng 20-12-1946, bà cùng Đội tuyên truyền xung phong vận động nhân dân tiếp tục thực hiện lệnh tản cư, làm vườn không nhà trống, viết khẩu hiệu lên tường nhà để động viên nhân dân. Mặc áo nâu, đi dép cao su, khoác tay nải, bà men theo bờ sông Tô Lịch vào tiếp tế, cứu thương cho anh em ở Thụy Khuê. Nhớ lại những đêm liều mình như chẳng có, bà nói: “Thời đó, sông Tô Lịch còn rộng và trong, đôi bờ xanh mướt rau cải, cải bắp chứ không hẹp và ô nhiễm như bây giờ. Chúng tôi lấy rau cải bắp ven bờ sông Tô, đem vào cho các tổ hỏa thực nấu cơm canh tiếp tế cho anh em”.

Chiến sự ngày càng ác liệt. Đầu tháng 1-1947, địch đánh chiếm các cửa ô của thành phố. Phía Tây Bắc và phía Bắc, chúng đánh ra Thụy Khuê, dốc Tam Đa, Bưởi… Bà Lê Phương cùng một số cán bộ cốt cán của khu Đại La rút dần ra Tây Mỗ, Chùa Thầy. Ngày 25-1-1947, địch chiếm Nhật Tân, do đó, các khu Đại La, Hồng Hà, Trúc Bạch ở phía Tây Bắc đều rút dần lực lượng vũ trang ra đứng chân ở khu Lãng Bạc. Đầu tháng 2, khu Đại La sáp nhập với Lãng Bạc thành quận IV. Bà được Quận ủy phân công phụ trách công tác chính trị của Trung đội nữ dân quân quận. Vài tháng sau, một số chị em được điều lên Việt Bắc học tập, công tác; số khác được điều trở lại hoạt động trong lòng địch, gây dựng lại cơ sở, còn bà lên Ban Phụ vận thuộc Khu ủy X. Từ đây bắt đầu đằng đẵng 8 năm xa Hà Nội đi kháng chiến trường kỳ. 

Tuổi thanh xuân tự hào của người con gái làng Võng Thị ảnh 2Bà Lê Phương cùng gia đình vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng

Hiến dâng tuổi thanh xuân cho cách mạng

Những năm kháng chiến, bà Lê Phương đảm nhiệm nhiều vị trí, từ Ban Tuyên huấn phụ nữ Liên khu X đến Bí thư phụ nữ cứu quốc tỉnh Yên Bái, rồi Bí thư phụ nữ Quận ngoại thành vào năm 1950. Đến tháng 1-1953, bà chuyển sang làm công tác giáo dục - đào tạo của Trường Công an Trung ương. Chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, bà được điều chuyển sang Cục Tuyên huấn của Bộ Công an công tác cho đến khi trở về Hà Nội.

Tôi hỏi bà kỷ niệm sâu sắc nhất trong 8 năm đi kháng chiến, bà cười: “Phụ nữ Hà Nội, quen sống ở ven hồ Tây và phố phường, lên Việt Bắc vất vả gấp bội so với chị em các tỉnh nhưng chúng tôi không chịu thua chị kém em  đâu. Đói ăn, thiếu muối, vắt cắn mòng máu, đêm ngủ đắp chăn sui lạnh thấu xương, vẫn chưa  khổ cực bằng những trận sốt rét, đắp mấy chăn vẫn không đủ; mang cả ba lô chặn lên vẫn run cầm cập, mà thuốc chữa trị chỉ có thuốc ký ninh đắng ngắt. Sau mỗi trận sốt rét, là phụ nữ mà rụng tóc xơ xác, da tái xanh, cũng thấy buồn chứ. Vậy mà tôi cũng như chị em phụ nữ Hà Nội yếu liễu đào tơ, đã lên Việt Bắc là công tác đến cùng, không ai nhụt chí”.

Nghe chuyện, càng thấm thía về một thế hệ vàng đã hy sinh tuổi thanh xuân cho cách mạng  một cách vô tư nhất, trong sáng nhất, dường như họ đã ngấm vào máu thịt tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, kháng chiến cho đến ngày đất nước được độc lập, hòa bình.

Sau ngày Hà Nội giải phóng, bà Lê Phương  vẫn  công tác ở Cục Tuyên huấn, nhưng rồi cái duyên làm báo đến với bà. Bà Lê Phương kể lại rành rẽ: “Năm 1957, Bộ Công an chỉ đạo, tiếp tục cho ra Báo Rèn luyện đã in và phát hành nội bộ từ thời kỳ chống Pháp (tháng 2-1948 đến tháng 10-1954).

Lúc đó, những người đầu tiên được điều về làm báo có tôi ở Cục Tuyên huấn Bộ Công an và ông Lê Tuấn đang công tác ở Phòng Chính trị Sở Công an Hà Nội. Dù chỉ có hai người, không đợi bổ sung đủ cán bộ, chúng tôi cũng bắt tay vào việc ngay, dưới sự chỉ đạo của anh Nguyễn Tài, Chánh Văn phòng Bộ, chúng tôi mời các anh lãnh đạo Sở, Ty Công an và các vụ, cục của Bộ viết bài cho báo. Hai chúng tôi ra được số báo đầu tiên thì Bộ điều thêm anh Nguyễn Duy Hinh (tức nhà văn Lê Tri Kỷ) về làm Trưởng phòng; tiếp đó là các anh Văn Đình Đức, Lê Khả, Lê Giảng về tòa soạn. Trong suốt thời gian dài chỉ có 7-8 người, nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành tốt mọi công việc. Báo được các địa phương hoan nghênh đón đọc”.

Đã 30 năm, kể từ ngày đầu tiên, tôi gặp bà ở 16 Trần Bình Trọng, nghe Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Minh Tiến kể chuyện về Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại, đến hôm nay, bà vẫn giản dị, mộc mạc, cẩn trọng trong mọi công việc, nhất là việc chữ nghĩa. Người con gái của quê hương Võng Thị đã được rèn luyện và trưởng thành từ ngọn lửa kháng chiến như thế!