Tưng bừng mùa thu cách mạng

(ANTĐ) - Quốc khánh 2-9 năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân cả nước. Người dân Thủ đô có dịp chung vui  trong ngày Tết Độc lập với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và ý nghĩa…

Tưng bừng mùa thu cách mạng

(ANTĐ) - Quốc khánh 2-9 năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân cả nước. Người dân Thủ đô có dịp chung vui  trong ngày Tết Độc lập với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và ý nghĩa…

Khí thế hào hùng của một thời lịch sử dân tộc đã được làm sống lại trên sân khấu đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm) tối qua 2-9 qua chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người”. Hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách nước ngoài đã có dịp cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc với nhiều sáng tác ngợi ca non sông đất nước.

Đặc biệt hình tượng vĩnh cửu về Bác Hồ - người cha già dân tộc vĩ đại đã làm rạng danh non sông, đất nước, con người Việt Nam đã được tái hiện giản dị và trang trọng xuyên suốt chương trình thông qua nhiều ca khúc bất hủ có sức sống vượt thời gian, thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc mà nhân dân ba miền đất nước dâng lên Người như: Đôi dép Bác Hồ (Văn An), Miền Trung nhớ Bác (Thuận Yến), Đêm đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Tây Nguyên nhớ Bác Hồ (Lê Lôi)...

Làm nên đêm diễn cảm động với nhiều thế hệ nghệ sỹ tên tuổi: NSND Quang Thọ, NSƯT Mai Hoa, Đăng Dương… cùng dàn nghệ sỹ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Song song đó, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đông đảo người dân đã đón xem chương trình xiếc tạp kỹ và biểu diễn võ thuật do các nghệ sỹ đến từ Đoàn Xiếc Hà Nội thực hiện.

Sân khấu Bà Kiệu đêm Quốc khánh 2-9
Sân khấu Bà Kiệu đêm Quốc khánh 2-9

Cũng trong đêm 2-9, gần 1.200 đại biểu, nghệ sỹ, khán giả có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã tham gia vào điểm cầu truyền hình trong chương trình truyền hình trực tiếp có tên gọi “Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Chương trình đã gợi lại trong lòng người xem những hình dung chân thực và xúc động về vị lãnh tụ vĩ đại thông qua việc nối sóng với 3 điểm cầu: Quảng trường Hồ Chí Minh ở vùng quê Nghệ An - nơi Người đã sinh thành, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) - nơi Người đã theo cha về đây dạy học và Bến Nhà Rồng (TP.HCM) - nơi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Đây đều là những địa điểm đánh dấu những mốc son lịch sử trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, khán giả cả nước đã có dịp sống lại những thời khắc lịch sử cảm động, gặp gỡ với các nhà nghiên cứu lịch sử và cả những người đã từng có cơ hội được gặp Bác.

Dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, trong không khí của mùa thu cách mạng, hàng nghìn người dân từ khắp các tỉnh, thành lân cận đã về Thủ đô Hà Nội với mong muốn được vào Lăng viếng Bác và bày tỏ lòng biết ơn với vị cha già dân tộc.

Để đáp ứng nguyện vọng ấy, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kéo dài thời gian mở cửa đón khách hơn so với thường lệ. Dòng người xếp hàng nối dài trên Quảng trường Ba Đình như quên cả thời gian và bất chấp cái nắng oi bức. Theo Ban Quản lý Lăng, riêng trong ngày Tết Độc lập đã có khoảng 3,1 vạn lượt đồng bào và du khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và một số địa điểm vui chơi giải trí khác trên địa bàn Thủ đô như: Công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo… cũng đông nghịt khách tham quan. Riêng tại Công viên nước Hồ Tây và công viên Mặt trời mới còn diễn ra song song chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang mùa thu” với nhiều tiết mục ca múa nhạc và xiếc tạp kỹ đặc sắc. Đặc biệt, xen lẫn đó là chương trình biểu diễn thời trang 2009 quy tụ sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế và nhóm người mẫu quen thuộc.

Các hoạt động văn hóa không chỉ diễn ra sôi nổi ở khu vực nội thành mà còn ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội. 31 xã của huyện Ba Vì đã tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng theo cụm, huyện Thanh Oai phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội tổ chức chiếu phim phục vụ nhân dân tại hai xã Đỗ Động, Xuân Dương, các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có buổi biểu diễn tại xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm)…

Cùng với đó tại nhiều địa phương trên cũng đã diễn ra hoạt động gắn biển tên đường phố mang tên danh nhân, địa danh lịch sử và tuyên truyền về xây dựng văn hóa người Hà Nội trên hệ thống loa truyền thanh của xã hướng đến một Hà Nội đẹp, văn minh và thanh lịch.

 Ngọc Hà