Từ nhà giàn Tư Chính A năm xưa đến Cụm nhà giàn DK1 ngày nay - những cột mốc bất tử trên thềm lục địa Việt Nam

ANTD.VN - Cách đây khoảng 6 năm, tôi được Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô giao nhiệm vụ đi công tác theo chuyến tàu vận chuyển quà Tết đến cán bộ đang làm việc trên các hệ thống nhà giàn DK1 - những cột mốc bất tử trên thềm lục địa Việt Nam. 

Cuối năm biển động cấp 6, cấp 7. Con tàu vận tải như chiếc “gầu” múc nước lặn lên lặn xuống. Sau gần 2 ngày, tàu mới tới Cụm nhà giàn Phúc Tần. Nhìn nhà giàn nhỏ bé giữa trùng khơi mới thấy khâm phục biết bao những người con quả cảm của đất nước vẫn hàng ngày gác lại những niềm riêng để biến mình thành những “con mắt thần” bảo vệ tiền tiêu Tổ quốc.

Từ nhà giàn Tư Chính A năm xưa đến Cụm nhà giàn DK1 ngày nay - những cột mốc bất tử trên thềm lục địa Việt Nam ảnh 1DK1 là viết tắt của cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Những cụm nhà giàn (DK) được hiểu như công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.

Những người canh giữ biển

Trên tàu chúng tôi được các chiến sĩ Hải quân kể chuyện về nhà giàn - một trong những biểu tượng của sự sáng tạo của Việt Nam. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5-7-1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Hơn 23 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân mà trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1- Lữ đoàn 171 nay là Vùng 2 Hải quân, là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước có mặt, làm nhiệm vụ vinh quang trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.

Nhà giàn DK1 bắt đầu được xây dựng 5 nhà giàn đầu tiên thuộc Tiểu đoàn DK1 được hoàn thành xong vào ngày 5-7-1989 có tên gọi là Nhà giàn Tư Chính A, đánh dấu bước ngoặt trong công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. DK1 là tên gọi của Cụm Kỹ thuật - Khoa học - Dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.

Chiều 4-12-1990, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần phải đối mặt với cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực phía Nam Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy - Chính trị viên Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ chiến sĩ xuống biển và 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên đồng đội đoàn kết, bám sát để hỗ trợ nhau “chiến đấu” với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu thẳm.

Năm 1998, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên cường chống chọi trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8. Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội..., nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường trước những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng... Nhưng đận ấy, Đại úy - Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước đại dương... Chuẩn úy Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố. Trước lúc hy sinh, Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc. Khi Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi thanh thản ra đi, để lại người mẹ già, người yêu trẻ và bao người thân đong đầy nhớ thương nơi miền quê xa vắng… 

Đó là những người con ưu tú của Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Máu các anh đã hòa vào nước biển. Mộ các anh là những con sóng bạc đầu sừng sững kiên trung giữa biển trời Tổ quốc. Những tấm gương đó, mỗi lần nhắc lại, những người lính đều xúc động. Bản hùng ca bi tráng ấy như một lời thề quyết tâm bảo vệ giang sơn đất nước. 

Từ nhà giàn Tư Chính A năm xưa đến Cụm nhà giàn DK1 ngày nay - những cột mốc bất tử trên thềm lục địa Việt Nam ảnh 2Chào cờ Tổ quốc trên nhà giàn

Gác lại những niềm riêng

Trên con tàu hải quân năm ấy, tôi nhỡ mãi câu chuyện của Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7, Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng. Nhà anh ở Bình Dương, mỗi khi anh Đồng đi nhà giàn, công việc bộn bề của gia đình cùng 2 con nhỏ lại trông vào đôi vai người vợ giáo viên. “Lính nhà giàn khó lấy vợ vì hay xa nhà, 34 tuổi tôi mới lập gia đình. Mãi rồi cũng thông cảm, cô ấy giờ là “tư lệnh” hậu phương lớn, đi cũng yên tâm phần nào”, anh Đồng chia sẻ. Lúc đó, bố anh Đồng ở Hà Tĩnh, bị liệt đã 2 năm nay, anh Đồng xúc động kể: “Bố tôi bảo, con không phải lo cho sức khỏe của bố. Cứ vững tâm đi làm nhiệm vụ”. Câu nói đó luôn đi theo anh như một lời nhắc nhở.

Trong chuyến tàu ấy, tối nào chúng tôi cũng cùng nằm canh sóng và tâm sự cùng những người lính. Nằm cạnh tôi trong cabin là Thiếu úy Nguyễn Văn Cường (24 tuổi, Chính trị viên Nhà giàn DK1/16). Cường vừa đăng ký kết hôn xong thì nhận lệnh lên đường ra nhà giàn. Đám cưới phải tạm hoãn, nhưng Thiếu úy Cường quả quyết: “Em không buồn anh ạ! Đi xong đợt này bọn em sẽ cưới. Lính nhà giàn nên lúc nào em cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Vợ em cũng rất thông cảm”. Vợ Cường là cô giáo dạy Văn, cùng quê Hà Tĩnh với Cường, hai huyện cách nhau đến hơn trăm km. Yêu nhau 7 năm, phần lớn thời gian là xa nhau. Cường nhớ mãi lần vào Huế thăm bạn gái, vì xe đến muộn phải ngủ ở công viên mấy tiếng đồng hồ mới gặp được bạn gái. Để thuận tiện công việc cho người yêu, cô gái vừa tốt nghiệp đã xin vào Vũng Tàu làm giáo viên dạy văn. “Chia tay nhau lên đường, bọn em chỉ nắm tay và nhìn nhau thôi, không cần nhiều lời anh ạ!” - Thiếu úy Cường tâm sự. Thế đấy, tình yêu người lính sao mà đơn sơ đến thế. Chỉ vậy mà người ta có thể chờ nhau đến hàng chục năm như trong thời chiến. Họ sẵn sàng đảm việc nước, lo việc nhà để chồng làm nhiệm vụ…

Còn cả trăm câu chuyện về những người lính bình dị ấy. Chẳng ngòi bút nào tả hết được về các anh. Sống giữa mênh mông sóng nước đương nhiên là khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng với lời thề thiêng liêng trước nhân dân là gìn giữ chủ quyền biển đảo, họ đã vượt qua mọi trở ngại để sống vui tươi, yêu đời. Họ hy sinh thầm lặng, những riêng tư gác lại cho nhiệm vụ lớn, cho những mùa xuân bình yên trên vùng biển Tổ quốc. Và, chắc chắn rằng, chẳng âm mưu nào có thể thay đổi được một chân lý - những cột mốc chủ quyền ấy trên thềm lục địa Tổ quốc sẽ không bao giờ xê dịch!